.

Đàm phán hạt nhân Iran vẫn bế tắc

.

Iran hôm 19-7 đã bác bỏ việc thảo luận về đề nghị của các cường quốc nhằm ngưng làm giàu uranium - điều kiện tiên quyết để kết thúc bất đồng dai dẳng đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu sau khi kết thúc một ngày đàm phán với các đại diện từ nhóm P5+1, nhà đàm phán Iran Saeed Jalili nói rằng Iran chưa sẵn sàng để thảo luận trong bất kỳ vòng đàm phán nào tiếp theo về việc ngừng việc làm giàu uranium mà “bộ 6” đưa ra để đổi lấy việc Hội đồng Bảo an LHQ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới.

Quang cảnh bàn đàm phán Geneva hôm 19-7. Ảnh:AFP
Đại sứ Iran tại Thụy Sỹ Keyvan Imani cho rằng, việc tạm ngừng chương trình làm giàu uranium sẽ không có khả năng xảy ra, loại bỏ điều kiện chính mà Mỹ và các cường quốc còn lại đặt ra để có được các cuộc đàm phán chính thức nhằm kết thúc bất đồng kéo dài này. Lời phát biểu của ông Imani dường như ám chỉ rằng, chính phủ của ông chưa sẵn sàng “nhắc” tới vấn đề làm giàu uranium. “Vấn đề này không nằm trong chương trình thảo luận của Iran… Chúng tôi sẽ không xóa bỏ các quyền lợi của mình,” ông nói.

Cao ủy phụ trách Chính sách đối ngoại EU Javier Solana cho biết, Iran không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho gói đề nghị của 6 nước trong bàn đàm phán. “Cuộc hội đàm tuy có mang tính xây dựng nhưng chúng tôi vẫn chưa có được câu trả lời mà mình tìm kiếm”, ông Solana cho biết. Ông cho biết đã đồng ý với ông Jalili về việc sẽ gặp riêng hoặc nói chuyện qua điện thoại trong vòng hai tuần nữa. Các nhà đàm phán của Iran và EU đã thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán trở lại vấn đề ngừng làm giàu uranium trong hai tuần tới.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack phát biểu sau cuộc hội đàm, rằng Iran có 2 tuần để “đưa ra một câu trả lời rõ ràng” hoặc sẽ tiếp tục bị cô lập. Đặc sứ Mỹ tại bàn đàm phán William Burns không đưa ra lời bình luận công khai. Ông McCormack cho biết, ông Burns đã truyền tải thông điệp “đơn giản và rõ ràng” rằng, Washington rất “nghiêm túc” khi trao gói biện pháp khuyến khích, tuy nhiên chỉ có thể thương lượng với Iran nếu nước này đứng về quan điểm của Washington. Nhà đàm phán Iran, ông Jalili, nói rằng mình đã đề xuất các ý kiến tích cực và yêu cầu các nước phương Tây không nên “quay lưng” lại với các cuộc đàm phán. “Iran đang kêu gọi các cường quốc bắt đầu lại cuộc đối thoại”, ông nói.

Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Mỹ đổ vỡ sau Cách mạng hồi giáo năm 1979 và vụ bắt cóc con tin tại sứ quán Mỹ ở Tehran, từ đó rất hiếm khi diễn ra các cuộc gặp gỡ chính thức giữa hai nước. Theo ông Imani, Tehran vẫn chưa nhận được đề nghị nào từ Mỹ về việc mở đại diện ở đây, nhưng Tehran sẽ “tích cực xem xét” vấn đề này. Tuy nhiên, ông Imani không đánh giá cao sự hiện diện của thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burns. “Ông ấy chỉ là một thành viên của phái đoàn từ 6 nước tham gia vào vấn đề hạt nhân của Iran”. Ông này cũng phủ nhận việc nguyên tắc “hủy bỏ đổi lấy hủy bỏ” - chấm dứt việc làm giàu uranium để không phải chịu thêm sự trừng phạt nào từ LHQ - sẽ được đưa ra thảo luận chính thúc tại hội đàm lần này ở Geneva.

Những lời bình luận từ phía Iran làm phai mờ những hy vọng được khơi gợi từ những lời lẽ lạc quan trước cuộc đàm phán mà Bộ trưởng Ngoại giao Iran miêu tả là “lạc quan và mang tính xây dựng”.

Nhật Lê (Theo Reuters, AP, BBC)

;
.
.
.
.
.