.

Đối thoại hay đối đầu?

.

Trong tuần qua, Mỹ đã có quyết định bất ngờ là lần đầu tiên tham gia đàm phán trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, bởi bấy lâu nay họ vẫn giữ lập trường chỉ trực tiếp đàm phán với Iran sau khi nước này ngừng chương trình làm giàu uranium như Hội đồng Bảo an đã yêu cầu.

Quyết định này đã phản ánh những thay đổi về chính sách của Mỹ trong việc giải quyết những bất đồng chung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Solana (trái) bắt tay Trưởng đoàn thương thuyết về hạt nhân Iran Saeed Jalili tại cuộc đàm phán ở Genève, Thụy  Sĩ.


Động thái này cũng gửi đi một thông điệp tới Chính phủ Iran rằng Mỹ cam kết giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng ngoại giao và mở ra một kênh đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran trong tương lai. Sự kiện này đã làm giảm giá dầu thô vào hôm 16-7 xuống mức 138 USD/thùng (giảm hơn 6 USD/thùng). Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 17 năm qua. Người ta cũng hy vọng cuộc đàm phán này sẽ ngăn chặn được một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran trong 5 tháng cầm quyền còn lại của Tổng thống Bush.

Sự hiện diện của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns sẽ góp phần làm giảm bớt những lời kêu gọi tấn công quân sự vào Iran của những người theo đường lối cứng rắn tại cả Israel và Mỹ. Tuy nhiên, trước mắt, vấn đề cốt lõi ưu tiên hàng đầu của cuộc thương lượng lần này là đạt được một thỏa hiệp về cách thức buộc Iran nhất trí ngưng sử dụng thêm các máy ly tâm làm giàu uranium. Để đổi lại, 6 cường quốc bao gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) và Đức, sẽ hoãn thông qua các lệnh cấm vận mới đối với Tehran. 

Tuy vậy, hy vọng này đã bị dập tắt không đầy một giờ đồng hồ sau khi cuộc đàm phán bắt đầu tại Genève khi Đại sứ Iran tại Thụy Sĩ Keyvan Imani tuyên bố Tehran sẽ không chấp nhận việc ngưng làm giàu uranium. Phát biểu trước các phóng viên, ông Imani cho biết: “Trong chương trình nghị sự của Iran không có vấn đề đó. Như lãnh tụ tinh thần tối cao của chúng tôi (Ayatollah Ali Khamenei) từng khẳng định, hướng đi của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền lợi của mình”.

Ông Imani cũng hạ thấp tầm quan trọng sự hiện diện của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tại Genève khi nói ông Burns chỉ là một thành viên trong phái đoàn của 6 nước tham gia đàm phán hạt nhân với Iran. Trước đó, tại Tehran, lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran tuyên bố, nước ông sẽ không cúi đầu trước mọi lời đe dọa được đưa ra trong các cuộc đàm phán này. Iran sẽ bảo vệ quyền được phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình, trong đó có chương trình làm giàu uranium.

Dầu vậy, trong một cuộc họp báo chung với đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Solana tại Genève hôm thứ bảy, Trưởng đoàn thương thuyết về hạt nhân Iran Saeed Jalili đã hé lộ, nhiều vấn đề liên quan đến cuộc tranh chấp về hạt nhân của Iran có thể giải quyết. Ông Jalili cho biết, một bức thư đã được trao cho phái đoàn Mỹ trong đó nêu lên những quan điểm chung và những điểm khác biệt.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các nhà lãnh đạo Iran phải chọn giữa hợp tác và đối đầu. Trong một tuyên bố vừa đưa ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack khẳng định, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, còn đối đầu có thể sẽ dẫn đến tình trạng cô lập thêm nữa. Dầu sao đi nữa, câu trả lời cho vấn đề này đến nay vẫn còn để ngỏ và hai bên có thể mong đợi một kết quả tích cực bởi các nhà thương thuyết Iran và Liên minh châu Âu đã đồng ý sẽ gặp lại trong 2 tuần nữa trong một vòng đàm phán khác về vấn đề hạt nhân của Iran.  

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.