Các đại diện của G8 đã đạt được một thỏa thuận cơ bản về thay đổi khí hậu và sẽ trình lên các lãnh đạo G8 hôm nay (8-7), có khả năng sẽ giải quyết được vấn đề gai góc nhất tại hội nghị.
Lời tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh G8 năm ngoái rằng sẽ “xem xét nghiêm túc” việc giảm một nửa khí thải nhà kính đến trước năm 2050 là hết sức quan trọng đối với Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, người đã đặt vấn đề thay đổi khí hậu lên vị trí trung tâm của hội nghị lần này.
Nhiên liệu sinh học có thể được làm ra từ các loại cây trồng như lúa mỳ và cây cải dầu. |
Bản tuyên bố về thay đổi khí hậu này cũng có thể sẽ nêu bật được sự thống nhất quan điểm cũng như những hứa hẹn sẽ phát triển các công nghệ mới và hỗ trợ về tài chính để giúp các nước nghèo cắt giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vẫn e ngại rằng viễn cảnh của một sự tiến triển thực sự cho vấn đề này chỉ có thể khi tân tổng thống Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ vào năm sau. G8 cũng sẽ nêu lên các lập trường quan điểm về thay đổi khí hậu, viện trợ cho châu Phi, giá lương thực tăng và nền kinh tế toàn cầu trong các báo cáo sẽ công bố hôm nay.
Tại cuộc hội đàm với các lãnh đạo châu Phi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa trực tiếp tới quá trình đạt tới 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Đại Hội đồng LHQ đặt ra nhằm giảm tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới đến trước năm 2015. Ông Ban đã kêu gọi G8 ra sức đối phó với chuỗi thách thức liên hoàn - thay đổi khí hậu, giá lương thực và sự phát triển.
Phát biểu bên lề hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã kêu gọi thay đổi các chính sách đối với nhiên liệu sinh học ở các nước phát triển, hối thúc các nước này tập trung vào lương thực để cung cấp cho những người đang lâm vào nạn đói. Ông cho biết nhiên liệu sinh học - nhiên liệu cung cấp cho các phương tiện vận tải được sản xuất từ cây trồng - đã góp phần làm tăng giá lương thực, và qua đó lên tiếng chỉ trích việc sản xuất nhiên liệu từ ngũ cốc và cây cải dầu ở Mỹ và châu Âu. Ông Zoellick cũng hối thúc G8 tăng viện trợ lương thực và cắt giảm các rào cản thương mại đối với mặt hàng nông sản.
Nhằm xoa dịu tình hình, các quan chức cho biết, G8 sẽ đưa ra chuỗi các giải pháp để giúp đỡ châu Phi, nhất là những người nông dân, và sẽ xác nhận lại cam kết viện trợ thêm 50 tỷ USD đến trước năm 2010, với một nửa trong số đó sẽ được chi cho các nước nghèo nhất trên thế giới.
Ni Na (Theo Reuters, BBC)