.

G8 đối mặt với bất ổn trầm trọng về kinh tế trong năm 2008

.

Giữa việc giá dầu leo thang, khủng hoảng lương thực, và sự thiếu vắng lòng tin làm đình trệ sự phát triển của toàn cầu, lãnh đạo các cường quốc kinh tế G8 phải đối mặt với một sự kết hợp trầm trọng nhất những biến cố về kinh tế trong vòng một thập kỷ qua.

Một người biểu tình ném đá vào cảnh sát trong cuộc biểu tình chống giá dầu tăng cao ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Viễn cảnh bắt đầu “u ám” rõ rệt kể từ hội nghị thượng đỉnh năm ngoái tại Đức, khi các nhà lãnh đạo tuyên bố nền kinh tế toàn cầu đang trong “điều kiện tốt” và giá dầu thô ở mức 70USD/thùng - đã được cho là cao ở thời điểm đó. Kể từ đó, cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở đối với các đối tượng có thu nhập thấp ở Mỹ bắt đầu bộc phát, làm khuấy động thị trường và chao đảo các công ty tài chính. Giá dầu thô đã tăng gấp đôi, lên đến 140USD/thùng và giá lương thực thì tăng vọt, đe dọa cuộc sống của những người nghèo trên toàn thế giới và dấy lên mối lo ngại về sự bất ổn định chính trị.

Robert Hormats, Phó Chủ tịch tập đoàn Goldman Sach ở New York, cho rằng các rắc rối về kinh tế hiện tại còn nghiêm trọng và lan rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1998, khi mà những thiệt hại chỉ giới hạn ở những thị trường mới nổi. “Còn giờ đây, bạn phải chứng kiến một sự hỗn loạn tài chính mà tâm chấn là nước Mỹ. Sự lạm phát nhiên liệu và lương thực là những tai ương ảnh hưởng đến rất nhiều người”, ông nói.

Nhật Bản, chủ nhà hội nghị G8 sắp diễn ra, đặt sự nóng lên toàn cầu lên vị trí đầu tiên trong chương trình nghị sự, tuy nhiên tình thế khó xử trong việc đối phó với lạm phát gia tăng và sự tăng trưởng toàn cầu lại giảm xuống có thể sẽ chiếm vị trí quan trọng hơn trong hội nghị. Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cho biết ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh tới sẽ đưa ra được “một vài hướng đi” trong việc giải quyết tình trạng giá dầu thô và lương thực leo thang, nhưng ông nhấn mạnh rằng đó chỉ là “một bước tiến” trong một tiến trình lâu dài.

Về vấn đề lương thực, các lãnh đạo G8 có thể sẽ tuyên bố các gói viện trợ hoặc đầu tư nông nghiệp ở các nước nghèo hơn, các chuyên gia dự đoán. Ông Hormats cho biết, dầu thô và năng lượng luôn là các đề tài lặp đi lặp lại tại các hội nghị thượng đỉnh thường niên này. Ban đầu, các hội nghị thượng đỉnh G8 chỉ tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế, nhưng giờ đây chương trình nghị sự đã mở rộng ra và bao gồm cả nạn khủng bố, sự phát triển của châu Phi, và môi trường.

Về vấn đề dầu thô, các nhà phân tích e ngại rằng các lãnh đạo G8 sẽ hối thúc các nhà sản xuất dầu thô tăng thêm sản lượng, nhắc lại thông điệp của các Bộ trưởng Tài chính G8 đã đưa ra tháng trước ở Osaka. Các bộ trưởng đã có những ý kiến khác nhau đối với nguyên nhân của sự tăng giá dầu. Đức, Pháp và Ý cho rằng những kẻ đầu cơ phải chịu trách nhiệm chính, trong khi Mỹ và Anh cho biết phải tập trung vào việc tăng sản lượng dầu để có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Giá dầu thô tăng cao cũng buộc Ấn Độ, Malaysia, và Indonesia phải cắt giảm trợ cấp chính phủ và tăng mức giá do chính phủ đặt ra đối với gas và các nhiên liệu khác. Tháng trước, Trung Quốc đã tăng giá nhiên liệu lên 18%. Ngân hàng phát triển châu Á đã cảnh báo rằng sự tăng dần giá dầu thô và lương thực có thể đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh nghèo đói. Ở Ấn Độ, lạm phát đã tăng lên đến 11,4%.

Ni Na (Theo AP, Economic Times)

;
.
.
.
.
.