.

G8 ra tuyên bố chung về cắt giảm khí thải nhà kính

.

* Quan ngại về tình trạng giá dầu thô và thực phẩm leo thang

Các nhà lãnh đạo G8 hôm nay (8-7) đã thống nhất một kế hoạch toàn cầu nhằm cắt giảm một nửa lượng khí thải nhà kính đến trước năm 2050 trong nỗ lực đối phó với sự nóng lên toàn cầu.


Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Toyako, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Trong tuyên bố chung tại hội nghị, các nước G8 cho biết họ muốn làm việc với gần 200 thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - những nước đã ký kết vào hiệp ước về thay đổi khí hậu - để cùng thông qua mục tiêu giảm khí thải nhà kính. “Các nước G8 đã thống nhất rằng mục tiêu này nên là một mục tiêu toàn cầu”, Thủ tướng Nhật bản Yasuo Fukuda phát biểu trong tuyên bố chính thức của hội nghị. Thủ tướng Fukuda cũng cho biết sẽ kêu gọi sự hợp tác của Trung Quốc và Ấn Độ tại cuộc họp vào ngày thứ tư (9-7).

Tuy nhiên, các nhà hoạt động về môi trường đã lên tiếng chỉ trích vì cho rằng tuyên bố năm nay không tiến bộ mấy so với tuyên bố lần trước. Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, G8 đã tuyên bố sẽ xem xét một cách nghiêm túc việc giảm lượng khí thải xuống còn một nửa trước năm 2050. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng cho rằng mục tiêu giảm 50% lượng khí thải là không thỏa đáng và yêu cầu các nước phải đề ra mục tiêu giảm bớt khí thải đến trước năm 2020.

Riêng Nhật Bản đã đặt mục tiêu giảm từ 60-80% lượng khí thải đến trước năm 2050. Việc đề ra các mục tiêu ngắn hạn hơn rất khó đi đến thống nhất giữa các nước. Chẳng hạn như Mỹ cho rằng, việc thực hiện được mục tiêu giảm 25-40% khí thải đến năm 2020 là phi thực tế. Trước sự bất đồng ý kiến như vậy, ông Fukuda cho biết, mỗi thành viên G8 sẽ tự đặt ra các mục tiêu của riêng nước mình.

Trong tuyên bố chung đưa ra hôm nay, 8-7, các lãnh đạo G8 cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc đối với tình trạng giá dầu thô và thực phẩm leo thang, tuy nhiên các nhà lãnh đạo vẫn bày tỏ một sự lạc quan đối với tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo không có sự thống nhất rõ ràng về nguyên nhân của việc giá dầu thô tăng gấp đôi trong năm qua. Cho rằng giá dầu thô tăng cao đe dọa nền kinh tế thế giới, G8 đã kêu gọi tăng sản lượng dầu thô và đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trong bản tuyên bố, các lãnh đạo G8 cũng nhấn mạnh rằng thị trường tài chính cũng cải thiện đôi chút trong vài tháng gần đây, tuy nhiên vẫn cho rằng “tình hình căng thẳng nghiêm trọng vẫn còn tồn tại”. Họ cũng cho rằng, vấn đề sản xuất nhiên liệu sinh học - có phần khiến cho giá dầu tăng - nên được thực hiện một cách hợp lý.

Ni Na (Theo BBC, AP, Reuters)

;
.
.
.
.
.