.

Kêu gọi G8 giữ lời hứa giúp đỡ châu Phi

.

Hội nghị thượng đỉnh G8 (các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới)  (G8) khai mạc hôm nay (7-7) tại Hokkaido, Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ George Bush (phải) và Tổng thống Ghana John Agyekum Kufuor tại hội nghị thượng đỉnh G8 hôm 7-7.
 Ảnh: Reuters.

Nội dung thảo luận đầu tiên trong chương trình nghị sự của ngày họp thứ nhất là tình trạng khó khăn của châu Phi và lời kêu gọi các nước G8 hãy “trung thành” với những lời hứa viện trợ trước đây. Cùng tham gia thảo luận về vấn đề châu Phi trong ngày đầu tiên có các lãnh đạo của Algeri, Ethiopia, Ghana, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tanzania và lãnh đạo liên minh châu Phi (AU). Trước đó, hôm 6-7, Tổng thống Mỹ Bush đã kêu gọi tăng thêm viện trợ và các hỗ trợ y tế cho châu Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Gleneagles, Scotland năm 2005, G8 đã hứa sẽ tăng viện trợ cho châu Phi thêm 25 tỷ USD đến trước năm 2010. Tuy nhiên, các số liệu từ Liên Hiệp Quốc và AU cho thấy, châu lục này chỉ mới nhận được chưa đầy 1/4 số tiền nói trên. Tuần qua, các lãnh đạo AU lại tiếp tục hối thúc các lãnh đạo G8 giữ lời hứa của mình.

Theo dự kiến, tại phiên họp chính vào thứ ba (8-7), các lãnh đạo G8 sẽ chuyển sang thảo luận các khía cạnh kinh tế và chính trị như việc giá dầu thô tăng cao đe dọa sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và khủng hoảng ở Zimbabwe.

Vấn đề gây tranh cãi về việc đối phó với sự nóng lên toàn cầu sẽ là trọng tâm tại cuộc họp mở rộng vào thứ tư (9-7) với sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế phát triển nhanh đang góp phần làm tăng thêm khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ các nước G8 cũng như giữa các nước nghèo và các nước giàu khiến người ta hoài nghi về một sự thay đổi tích cực trong vấn đề này, cho dù tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, G8 đã thống nhất sẽ “xem xét nghiêm túc” một mục tiêu toàn cầu nhằm giảm một nửa lượng khí thải nhà kính đến trước năm 2050.

Ni Na (Theo AFP, Reuters)

;
.
.
.
.
.