Thủ tướng Bỉ Yves Leterme, hôm 14-7 đã đệ đơn xin từ chức sau khi Chính phủ của ông không thể thúc đẩy những cải cách hiến pháp nhằm trao thêm quyền tự trị cho các khu vực nói tiếng Pháp và Hà Lan ở nước này.
Thủ tướng Bỉ Yves Leterme đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương Albert II sau khi không thể thực hiện các cải cách chính trị. |
Trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 năm ngoái, ông Leterme hứa với những người ủng hộ rằng sẽ trao nhiều quyền hơn cho các chính quyền cấp khu vực. Sau khi lên nắm quyền, ông đã ra thời hạn chót đến ngày 15-7, các đảng nói tiếng Hà Lan và các đảng nói tiếng Pháp phải đạt thỏa thuận về các kế hoạch cải cách để ông trình lên Quốc hội.
Các đảng phái nói tiếng Hà Lan muốn khu vực phía bắc giàu có, tập trung đông dân nói ngôn ngữ này sẽ có được nhiều quyền tự trị hơn thông qua việc chuyển giao quản lý các loại thuế và một số biện pháp an ninh xã hội từ cấp liên bang sang cấp vùng. Họ cũng đòi hỏi được tự quyết nhiều hơn trong các lĩnh vực giao thông, y tế, thị trường lao động và tư pháp. Tuy nhiên, các đảng phái nói tiếng Pháp khẳng định phe nói tiếng Hà Lan đã được phân chia quyền lực một cách thỏa đáng.
Tuy nhiên, ngày 14-7, cuộc thương lượng cuối cùng về các kế hoạch cải cách thể chế Nhà nước của Chính phủ đã thất bại: Các đảng nói tiếng Hà Lan muốn một cuộc cải tổ Nhà nước mang tính toàn diện và triệt để, còn các đảng nói tiếng Pháp lại phản đối yêu sách đòi quyền tự trị của vùng nói tiếng Hà Lan. Đơn xin từ chức của ông Yves Leterme đã được trình lên Quốc vương Albert II. Phó Thủ tướng Didier Reynders cho biết, ông “lấy làm tiếc rằng, việc từ chức sẽ đẩy các chính sách kinh tế vào thế lâm nguy”.
Các tranh chấp về ngôn ngữ từ lâu đã phủ bóng đen lên chính trường Bỉ. Kể từ những năm 1960, nhóm 6,5 triệu người nói tiếng Hà Lan và nhóm 4 triệu người nói tiếng Pháp đã dần dần giành được nhiều quyền tự trị hơn. Ngày nay, hầu như mọi thứ đều được phân chia cho các khu vực nói 2 ngôn ngữ trên. Một “biên giới ngôn ngữ” từ đông sang tây đã chia cắt Bỉ thành hai phần, khiến thủ đô Brussels là vùng song ngữ chính thức duy nhất trong cả nước.
Gia Huy (Theo AP, AFP)