.

Khủng hoảng lương thực ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước kém phát triển

.

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 17-7 cho biết khủng hoảng lương thực toàn cầu đang đe dọa đảo lùi các tiến bộ xã hội mà 50 nước kém phát triển nhất thế giới (LDCs) đã đạt được từ trước đến nay.

Bản báo cáo của UNCTAD về LDCs 2008 cho biết, đa số người dân ở các nước LDCs đều rất nghèo và phần lớn thu nhập đều dùng để chi cho lương thực nên họ sẽ phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ việc giá cả leo thang như hiện nay.

Giá cả leo thang đe dọa rất lớn cuộc sống của những người nghèo ở các nước kém phát triển.

Hiện tại, những người nghèo khó có thể tiếp cận được các sản phẩm khác mà chỉ tập trung vào mua các sản phẩm lương thực kém chất lượng, dẫn đến nguy cơ của sự thiếu dinh dưỡng. Và như vậy, dần dần sẽ tác động đến tình hình y tế và giáo dục. Theo bản báo cáo, giá của các mặt hàng chủ yếu như bắp, lúa mỳ và gạo đã tăng gấp đôi ở một số nước LDCs từ năm 2007. Tình trạng này còn dẫn tới các cuộc xung đột lương thực ở 8 nước LDCs hồi giữa năm 2007 và nửa đầu năm 2008. 8 nước này bao gồm Burkina Faso, Guinea, Haiti, Mauritania, Mozambique, Senegal, Somalia và Yemen.

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm gần đây nhưng tổng số người nghèo vẫn tiếp tục gia tăng tại các nước này. Trong khoảng thời gian từ năm 2005-2006, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nhóm LDCs là 7%. Tuy nhiên, lại có tới ¾ người dân phải sống với chưa tới 2 USD một ngày. Phần lớn trong số họ không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản về lương thực, nước uống, nhà ở, y tế hay giáo dục. Bản báo cáo của UNCTAD còn thống kê được rằng, số dân sống trong cảnh “hết sức nghèo khổ” - sống dưới 1 USD một ngày - đã giảm rất chậm từ 44% năm 1994 xuống 36% năm 2005.

Tiến triển chậm chạp của việc giảm nghèo đói có nghĩa là các nước LDCs sẽ không thể đạt được mục tiêu đầu tiên trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ là giảm một nửa số người sống dưới mức 1 USD/ngày từ năm 1990 đến 2015. UNCTAD đã hối thúc các nước LDCs phải đa dạng hóa các sản phẩm họ sản xuất và bán ra trên thị trường để có thể đạt được sự phát triển kinh tế bền vững. Việc các nước này ngày càng phụ thuộc vào bán các sản phẩm đơn giản như hàng hóa công nghệ thấp, khoáng sản, quặng, kim loại, và nông sản sẽ đẩy họ vào nguy cơ suy thoái.

Linh Dung (Theo THX)

;
.
.
.
.
.