.

Lãnh đạo đối lập Zimbabwe ký kết thỏa thuận khung

.

(ĐNĐT) - Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và lãnh đạo đối lập Phong trào thay đổi dân chủ (MDC) Morgan Tsvangirai hôm qua 21-7 đã ký một thỏa thuận khung cho các cuộc đàm phán chính thức về việc thiết lập một chính phủ chia sẻ quyền lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) bắt tay lãnh đạo đối lập MDC Morgan Tsvangirai sau khi ký kết thỏa thuận khung ở Harare hôm 21-7. Ảnh: Reuters.
Thỏa thuận nêu rõ rằng các cuộc đàm phán dàn xếp việc chia sẻ quyền lực phải được hoàn thành trong vòng hai tuần sau khi ký kết thỏa thuận khung. Các cuộc thảo luận  sẽ tập trung vào vấn đề an ninh, các ưu tiên về kinh tế và chính trị của chính phủ mới. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, các đảng phải bằng mọi cách ngăn chặn tất cả các hình thức bạo lực chính trị và không đưa ra các tuyên bố mang tính kích động. 

Thỏa thuận sơ bộ được ký tại Khách sạn Rainbow Towers ở thủ đô Harare trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa ông Mugabe và ông Tsvangirai suốt một thập kỷ. Hai lãnh đạo đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, giữ vai trò là người đứng ra dàn xếp thỏa thuận. Ông Arthur Mutambara, người đứng đầu một phe ly khai thuộc MDC cũng ký vào thỏa thuận.

Ông Mugabe cho biết hai bên đã nhất trí rằng Hiến pháp Zimbabwe còn nhiều điểm cần phải sửa đổi. Ông Tsvangirai miêu tả buổi lễ là “một sự kiện lịch sử” và nhấn mạnh việc phải tìm ra một hướng giải quyết cho bế tắc chính trị. Ông Mugabe có lời khen ngợi Tổng thống Mbeki đã giúp dàn xếp thỏa thuận nhưng vẫn khẳng định rằng chính người Zimbabwe sẽ chịu trách nhiệm giải quyết khủng hoảng và không chịu sự ảnh hưởng từ châu Âu hay Mỹ.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch Liên hiệp châu Phi (AU) Jean Ping cũng bày tỏ thái độ hoan nghênh và khuyến khích đối với các bên ký kết thỏa thuận.

MDC cũng đã đưa ra một số điều kiện trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với ông Mugabe, bao gồm việc chấm dứt hoàn toàn bạo lực và thả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.

Ni Na (Theo Reuters, BBC)

;
.
.
.
.
.