Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang cho rút các nhân viên không chủ chốt khỏi Darfur sau khi một công tố viên quốc tế cáo buộc Tổng thống Sudan tội diệt chủng.
Tổng thống Sudan Omar Hassan al-ashir. Ảnh: Reuters |
ICC vẫn phải xem xét các lý lẽ hợp lý để ban hành lệnh bắt này. Tổng thống Sudan đã bác bỏ lời buộc tội và cho rằng ICC không có quyền thực thi pháp lý ở nước này và cảnh báo rằng bất kỳ bản cáo trạng nào cũng sẽ làm trì hoãn các đàm phán hòa bình và gây ra tình trạng hỗn độn ở Sudan.
Một quan chức của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cho biết, quyết định tạm thời rút các nhân viên không chủ chốt khỏi Sudan được đưa ra sau vụ tấn công ở Darfur hôm 8-7 làm thiệt mạng 7 binh sĩ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và Liên minh châu Phi (Unamid) và 22 người khác bị thương, đồng thời cũng là một giải pháp đề phòng phản ứng của người dân trước tuyên bố cáo buộc của công tố viên.
Hiện vẫn chưa rõ LHQ sẽ cho rút bao nhiêu trong số hơn 10.000 nhân viên của lực lượng Unamid, tuy nhiên chỉ huy Unamid Martin Luther Agwai cho biết sẽ tiếp tục bảo vệ lực lượng và cơ sở của LHQ, hỗ trợ các tổ chức nhân đạo tiếp tục công việc giúp đỡ người dân ở Darfur và sẽ không ngưng việc tuần tra.
Phóng viên BBC cho biết Hội đồng Bảo an LHQ đã yêu cầu công tố viên Ocampo điều tra các vụ thảm sát ở Darfur. LHQ ước tính có khoảng 300.000 người thiệt mạng và 2 triệu người rời bỏ nhà cửa do các cuộc xung đột ở Darfur từ năm 2003. Chính phủ Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về một phản ứng dữ dội sau động thái của ICC và hiện đang tăng cường an ninh cho các nhân viên của mình ở Sudan.
Nhật Lê (Theo BBC, AFP)