.

Mỹ - Ba Lan đạt thỏa thuận lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa

.

Một quan chức cấp cao tại Washington cho biết, Mỹ và Ba Lan vừa đạt được thỏa thuận về việc lắp đặt một phần hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Ba Lan, một kế hoạch vốn bị Nga phản đối gay gắt.

Sơ đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Thỏa thuận trên được nhất trí sau vài ngày đàm phán và chưa đầy một tuần trước chuyến thăm Ba Lan đã định của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates để bàn về hệ thống phòng thủ tên lửa. Chính quyền Bush từ lâu đã nỗ lực thúc đẩy kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan.

Các tên lửa đánh chặn sẽ được kết nối với hệ thống radar phòng không ở CH Czech, nơi các nhà chức trách đã đồng ý tham gia vào hệ thống này từ tháng 4. Hệ thống đánh chặn tên lửa ở CH Czech có thể xác định và bắn hạ các tên lửa được phóng từ Iran vào châu Âu hoặc Mỹ. Nga đã phản đối gay gắt kế hoạch này, cho rằng mục tiêu thực sự của hệ thống là
các tên lửa Nga. 

CH Czech và Ba Lan là các nước thuộc khối Xô-viết cũ nhưng giờ là thành viên của khối NATO do Mỹ đứng đầu. Mỹ khẳng định kế hoạch hệ thống phòng thủ của nước này là nhằm bảo vệ châu Âu khỏi một cuộc tấn công tên lửa có thể từ Trung Đông.

Một số nhà quan sát cho rằng sự trì hoãn triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ tại châu Âu là do chính sách đối ngoại thành công của Nga. Kremlin đã tỏ ra cứng rắn và không tin vào lời giải thích của Mỹ rằng lá chắn tên lửa nhằm chống lại mối đe dọa từ Iran. Nga phản đối mạnh mẽ kế hoạch này và đe dọa có các biện pháp trả đũa tương xứng.

Đồng thời, Moscow đã đề xuất với Washington một hệ thống phòng thủ tên lửa chung toàn cầu. Hệ thống này sẽ chống lại các mối đe dọa tên lửa, chủ yếu là các tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ hơn 20 quốc gia, trong đó có các nước láng giềng của Nga. Tuy nhiên, sáng kiến này chưa nhận được sự đồng ý của Mỹ.

Hiện chưa có phản ứng tức thời nào từ phía Moscow về thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Ba Lan. Mỹ cũng đã đồng ý giúp đỡ Ba Lan hiện đại hóa quân đội nước này - một điều kiện mà Ba Lan đưa ra để cho phép lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất của mình. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Dan Fried cho biết, các nhà đàm phán Ba Lan rất “rắn” và họ mang tới bàn thương lượng “các quan điểm và đề xuất quan trọng”. Mặc dầu vậy, phía Mỹ “khá hài lòng” về nội dung các cuộc hội đàm.  
           
GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.