(ĐNĐT) - Nếu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice gặp gỡ người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Pak Ui-chun ở Singapore trong tuần này như dự kiến, thì đây sẽ là lần gặp gỡ cấp bộ trưởng đầu tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới thăm lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il trong những tháng cuối cùng của chính quyền Bill Clinton trước đây.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice sẽ gặp người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Pak Ui-chun trong tuần này. Ảnh: AFP. |
Chính quyền Tổng thống Bush từ lâu đã bắt đầu từ bỏ những tuyên bố sẽ không “nói chuyện” với các kẻ thù của Mỹ. Nhưng các động thái nhượng bộ gần đây đối với Iran và CHDCND Triều Tiên - và cả với Iraq, một nước khác được xếp vào “trục ma quỷ” - lại càng làm “đảo lộn” thông điệp cũ.
Tổng thống Bush, về cơ bản, đã đồng ý một lịch trình cho việc rút quân khỏi Iraq, một việc mà từ lâu ông đã từng nói là mạo hiểm. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử Thứ trưởng William Burns ngồi vào bàn đàm phán với các quan chức châu Âu ở Geneva, mặc dù đã tuyên bố sẽ không dự những cuộc hội đàm như vậy trừ khi Tehran cho ngừng việc làm giàu uranium, và trên thực tế Iran đã không làm như vậy. Và bây giờ, bà Rice lại sẽ gặp ông Pak để hoàn thành chặng cuối trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa chưa đầy hai năm sau khi CHDCND Triều Tiên cho thử một vũ khí hạt nhân.
Mặc dù vậy, hôm 21-7, Nhà Trắng vẫn khẳng định là mọi chuyện không hề thay đổi. Phát ngôn viên Dana Perino phát biểu trước báo giới rằng: “Trừ khi họ từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân của mình, nếu không chúng tôi vẫn sẽ xếp họ vào “trục ma quỷ”. Bản thân bà Rice cũng nhận định, đàm phán hạt nhân Iran ở Geneva là đáng thất vọng. Bà cảnh báo, nếu Iran không trả lời cho đề nghị các gói biện pháp khuyến khích trong hai tuần tới thì Mỹ và các cường quốc còn lại sẽ đề xuất lên Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ và ngay cả một số thành viên của chính quyền Bush cũng cảm thấy “lúng túng” trước cái mà họ cho là một đường zigzag. Một quan chức cấp cao đã mô tả chính sách Iran là ‘thất thường”, trong khi một nhà ngoại giao châu Âu thì đánh giá chính sách này “dường như hơi kỳ cục”. Abbas Milani, một chuyên gia về Iran tại Đại học Stanford nhiều năm qua, đã cố vấn cho chính quyền Bush cũng có cùng nhận định. “Tôi không hiểu họ đang làm gì,” ông nói. Theo ông, những “động thái và lời lẽ khiêu khích” của bà Rice hôm 21-7 có thể phá hỏng bất kỳ cơ hội nào cho việc các lãnh đạo Iran sẽ “đáp lại” sự nhượng bộ của ông Bush bằng cách ngừng chương trình làm giàu uraium.
Một số chuyên gia về chính sách ngoại giao thì cho rằng, sẽ có hàng loạt các nhượng bộ trong những ngày “xế chiều” của bất kỳ chính quyền nào. Chẳng hạn như chính phủ Reagan bắt đầu các cuộc đàm phán với Tổ chức Giải phóng Palestine năm 1988 trong những tháng cuối cùng ở nhiệm sở, hay Tổng thống Bill Clinton cử bà Albright tới Bình Nhưỡng hồi cuối năm 2000, chưa đầy 3 tháng trước khi ông rời chiếc ghế Tổng thống. Tuy nhiên, sự nhượng bộ của Chính phủ của ông Bush đặc biệt đáng chú ý, bởi ông Bush và phụ tá đã làm mọi cách để đưa ra một học thuyết đạo đức và trí tuệ nhằm tránh việc đàm phán với kẻ thù.
Một số nhà ủng hộ nền an ninh quốc gia đã kịch liệt chỉ trích những động thái gần đây nhất của Mỹ đối với Iran và CHDCND Triều Tiên. Cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, John Bolton, nói rằng: “Thậm chí đây không phải là một sự rút lui được dàn dựng cẩn thận, mà thay vào đó, chỉ là một dấu hiệu để Iran thấy rằng, trước khi kết thúc chính quyền, Mỹ chỉ khao khát ký vào các thỏa thuận.”
Các nhà ngoại giao châu Âu lại đặt câu hỏi về việc lựa chọn thời điểm đưa ra quyết định cử ông Burns tới hội nghị Geneva. Họ không hy vọng rằng các quan chức Iran, nổi tiếng với khả năng kéo dài các cuộc đàm phán, sẽ nhượng bộ chính quyền Tổng thống Bush sắp ra đi và hủy bỏ chương trình làm giàu uranium. Các nhà ngoại giao cho biết, đích đến xa nhất mà Iran sẽ hướng tới trong năm nay, có khả năng sẽ là đề nghị “hủy bỏ đổi lấy hủy bỏ”, nghĩa là Iran sẽ đồng ý không làm giàu uranium vượt quá các mức độ hiện nay để đổi lấy việc miễn các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Mỹ luôn lặp lại rằng, sẽ không chấp nhận một đề nghị như vậy, và theo đuổi một sự chấm dứt hoàn toàn việc làm giàu uranium. Các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu cho rằng, việc chấp nhận đề nghị hiện vẫn đang “trôi nổi” nói trên sẽ lại đòi hỏi một sự nhân nhượng đáng kể khác đối với chính quyền Bush.
Ni Na (Theo IHT)