.

Nga cảnh báo sẽ trả đũa thỏa thuận tên lửa Mỹ - CH Séc

.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ ký kết thỏa thuận sơ bộ đặt một phần của hệ thống tên lửa phòng thủ gây tranh cãi ở CH Séc, Nga tuyên bố nước này sẽ buộc phải phản ứng bằng các biện pháp quân sự nếu Mỹ và CH Séc tiếp tục các kế hoạch lá chắn tên lửa.

Những người phản đối kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa trên đất CH Séc biểu tình tại trung tâm thành phố Prague, CH Séc.


Thỏa thuận mới ký kết sẽ cho phép Mỹ thiết lập một trạm radar ở tây nam Prague. Theo dự án mà Washington đang theo đuổi, trạm radar này sẽ kết nối và dẫn đường cho 10 tên lửa bắn chặn được lắp đặt tại Ba Lan và dự kiến hệ thống này sẽ được vận hành vào khoảng năm 2012.

Theo Washington, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ bảo vệ Mỹ và các đồng minh châu Âu trước mọi cuộc tấn công trong tương lai từ một nước đối địch như Iran. Tuy nhiên, Moscow cho rằng việc đặt hệ thống này gần biên giới Nga có thể làm suy yếu các hệ thống phòng thủ của Nga. Trước đây, Moscow đã từng đe dọa chĩa tên lửa vào mọi căn cứ ở CH Séc và Ba Lan. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Nếu một lá chắn chống tên lửa chiến lược của Mỹ bắt đầu được triển khai gần biên giới của chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc phải phản ứng không phải bằng con đường ngoại giao mà bằng các biện pháp quân sự-kỹ thuật”.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán về các vấn đề ổn định chiến lược. Kế hoạch lá chắn tên lửa này bị nhiều người ở CH Séc phản đối. Một cuộc thăm dò dư luận tháng trước cho thấy, 68% người dân ở CH Séc phản đối kế hoạch này. Phe đối lập ở Séc đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này và kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.

Thỏa thuận đặt trạm radar theo dõi sẽ phải được Quốc hội Séc phê chuẩn, nơi Chính phủ sẽ cần các lá phiếu của các nghị sĩ đối lập thì mới thành công. Trong khi đó, kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ cũng đang vấp phải trở ngại do nước này vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Ba Lan. Tại Prague, Ngoại trưởng Mỹ Rice bác bỏ việc sẽ tới Ba Lan sau cuộc gặp với Ngoại trưởng nước này hôm thứ hai.
 
Lá chắn này là một ưu tiên của Tổng thống Bush, người hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận với Ba Lan trước khi ông mãn nhiệm vào tháng 1-2009. Sau đó, số phận của hệ thống này sẽ được người kế nhiệm ông quyết định.

GIA HUY (Theo BBC, Reuters)

;
.
.
.
.
.