Sáng 30-7, một đoàn xe hộ tống cựu lãnh đạo người Serbia Karadzic - gồm các nhân viên và quan chức thuộc Cơ quan Mật vụ Serbia - đã rời tòa án ở Belgrade để đưa ông lên sân bay tới The Hague (Hà Lan), nơi ông Karadzic sẽ bị Tòa án quốc tế xét xử về các tội ác diệt chủng và chống loài người.
Chiếc máy bay được cho là đã chở ông Karadzic tới sân bay Rotterdam ở Hà Lan hôm 30-7. |
Ông Karadzic sẽ đối mặt với 11 lời buộc tội tại Tòa án tội phạm chiến tranh, trong đó có tội diệt chủng và đồng lõa diệt chủng. Ông bị cáo buộc chủ mưu vụ thảm sát 8.000 người Hồi giáo tại Srebrenica năm 1995 và cuộc bao vây Sarajevo trong hơn ba năm, khiến 10.000 người thiệt mạng. Việc dẫn độ Karadzic tới The Hague được thực hiện vài giờ sau cuộc biểu tình rầm rộ của ít nhất 15.000 người ủng hộ ông ở Belgrade. Đụng độ giữa cảnh sát và các nhóm biểu tình nhỏ lẻ đã diễn ra, khiến 46 người bị thương gồm 25 cảnh sát và 21 dân thường.
Đường phố giống như bãi chiến trường. Nhiều cửa hiệu bị đập phá và thùng rác bị hất đổ. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai khắp Belgrade và quân đội chống khủng bố canh giữ Đại sứ quán Mỹ, khi hàng chục chiếc xe buýt chở những người theo chủ nghĩa dân tộc tới Belgrade từ khắp các vùng khác nhau của Serbia và Bosnia để tham dự cuộc biểu tình chống Chính phủ có tên là “Tự do cho Serbia”. Nhiều người mang biểu ngữ và những băng vải nhỏ có tên và ảnh của Karadzic. Một số hô vang khẩu hiệu chống Tổng thống Boris Tadic và kêu gọi ám sát ông.
Cựu lãnh đạo người Serbia bị bắt hồi tuần trước tại Belgrade sau 13 năm lẩn trốn, chỉ vài tuần sau khi Chính phủ của ông Tadic lên nắm quyền. Karadzic vẫn được nhiều người Serbia tôn sùng là một anh hùng thời chiến vì đã góp phần thành lập tiểu nhà nước Serbia ở Bosnia. Ông Radovan Karadzic sẽ không sử dụng luật sư, một khi ông bị xét xử trước tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Việc chọn tự bào chữa là thủ thuật trong những phiên xét xử, nơi mà các bị cáo không công nhận thẩm quyền của tòa án và tính hợp pháp của quá trình tố tụng. Thay vào đó, họ xem phiên tòa như một “diễn đàn chính trị”.
Với việc bắt giữ và dẫn độ Karadzic, các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Serbia hy vọng cánh cửa vào Liên minh châu Âu (EU) của họ sẽ rộng mở hơn. Belgrade đang nhắm tới mục đích giao thương rộng hơn nữa với EU, và sau đó là một cơ hội thảo luận chi tiết về loại hình cải cách kinh tế và chính trị mà nước này cần phải tiến hành để được gia nhập liên minh. Tuy nhiên, EU còn muốn công tố viên của Liên Hợp Quốc báo cáo về việc liệu Serbia có hợp tác đầy đủ với Tòa án The Hague hay không.
GIA HUY (Theo Reuters, AP, Time)