.

Ông Karadzic chống việc dẫn độ

.

Sveta Vujacic, luật sư của ông Radovan Karadzic - cựu thủ lĩnh người Serbia ở Bosnia - khẳng định ông sẽ chống lại việc dẫn độ thân chủ của mình đến Tòa án quốc tế tội phạm chiến tranh của LHQ ở The Hague (ICTY).

Hình ảnh ông Karadzic do chính quyền Serbia công bố trong buổi họp báo ở Belgrade ngày 22-7. (Ảnh: Reuters)

Ông Sveta Vujacic cho biết: “Tôi nghĩ rằng, họ sẽ không chấp nhận việc chống đối của tôi nhưng tôi muốn phá vỡ kế hoạch dẫn độ ông ấy (Radovan Karadzic). Tôi sẽ dùng cơ hội hợp pháp để chống án trong ngày cuối cùng có thể”. Vujacic cũng nói rằng, các quan chức Serbia không tiết lộ sự thật về việc bắt giữ Karadzic.
 
Theo Vujacic, “dường như không người nào biết ai đã bắt giữ ông ấy, địa điểm và thời gian ông ấy bị bắt”. Ông Karadzic sẽ bị dẫn độ đến ICTY trong thời gian 3 ngày để xét xử về tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Công tố viên Vladimir Vukcevic nói, Karadzic có quyền chống lại việc dẫn độ này trong vòng 3 ngày đó.

Có nguồn tin cho rằng, lực lượng an ninh đã tìm ra ông Karadzic sau khi nhận được tin báo từ một cơ quan tình báo nước ngoài. Mấy trăm người Serbia đã ẩu đả với cảnh sát tại trung tâm thủ đô Belgrade trong một vụ xuống đường phản đối việc bắt giữ này.

Trong buổi họp báo ở Belgrade ngày 22-7, các quan chức Serbia đã công bố những bức ảnh gần đây của Karadzic với hình ảnh ông đeo kính, để tóc ngắn màu trắng, râu dài trắng... Bộ trưởng Serbia Rasim Ljajic cho biết, Karadzic sống công khai ở ngoại ô Belgrade, làm việc tại một dưỡng đường điều trị ngoại khoa dưới tên giả là Dragan Dabic, hay còn gọi là DD David. Năm 1995, Tòa án The Hague đã khởi tố ông Karadzic về vai trò của ông trong việc sát hại hàng nghìn thường dân không phải sắc tộc Serbia trong cuộc xung đột ở Bosnia-Herzegovina.

Sau khi ông Karadzic bị bắt, Serbia thúc giục tiếp tục bắt Ratko Mladic - chỉ huy quân đội thời chiến của Karadzic. Hiện tại, Tòa án quốc tế đang truy lùng Ratko Mladic và Goran Hadzic - cựu chính trị gia Serbia đang lẩn trốn ở Croatia. Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Zalmay Khalilzad nói rằng, Mỹ vui mừng vì việc Karadzic bị bắt và hy vọng Tướng Mladic sẽ sớm cùng chịu số phận tương tự. Trong khi phía Pháp cho biết, Liên minh châu Âu (EU) cũng hy vọng vào việc bắt giữ Mladic.

Các nhà phân tích cho rằng, việc bắt giữ Karadzic là dấu hiệu rõ ràng về ý định của Tổng thống Serbia Boris Tadic muốn hội nhập với châu Âu. Dư luận thế giới cũng lên tiếng về vụ việc này và có những phản ứng trái chiều. Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá việc bắt giữ ông Karadzic là “một tin tốt lành cho vùng Balkan”, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một bước cơ bản tiến tới công bằng, hòa bình và hòa giải ở khu vực này.

Ngoại trưởng Anh David Miliband cũng đánh giá cao việc Serbia bắt ông Karadzic và cho rằng động thái này sẽ thúc đẩy những hy vọng trở thành thành viên EU của Serbia. Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Nga, việc bắt giữ ông Karadzic là vấn đề nội bộ của Serbia và Belgrade sẽ tự quyết định liệu ông Karadzic có phải đối mặt với một phiên tòa quốc tế hay không.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.