Lãnh đạo của 43 quốc gia quanh Địa Trung Hải hôm 13-7 đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Địa Trung Hải kéo dài một ngày tại Paris, nhằm tăng cường các mối quan hệ hợp tác về chính trị, văn hóa và kinh tế.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, đã đề xuất thành lập một tổ chức quốc tế mới mang tên “Liên minh Địa Trung Hải” gồm 43 nước thành viên, với mục đích giải quyết dứt điểm các cuộc xung đột ở Trung Đông. Liên minh này sẽ xử lý các vấn đề như bất ổn khu vực, nhập cư và ô nhiễm môi trường.
Tổng thống Pháp Sarkozy trao đổi với Thủ tướng Đức Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh Địa Trung Hải. |
Liên minh Địa Trung Hải - gồm 27 thành viên EU cùng với 16 quốc gia khu vực Bắc Phi, Balkan, Israel và khối Ảrập - sẽ có tổng dân số là 756 triệu người, kéo dài từ Tây Âu tới sa mạc Jordan. Đón mừng sự hiện diện của các nước Ảrập cùng với Israel, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và Algeria, Tổng thống Sarkozy nhấn mạnh liên minh này sẽ không phải là “miền bắc đối nghịch với miền nam, châu Âu đối nghịch với phần còn lại... mà là một khối thống nhất”. Ông vạch ra quyết tâm tập trung vào các kế hoạch cụ thể về môi trường, nhập cư, hợp tác an ninh, vận tải và giáo dục.
Phát biểu khai mạc hội nghị ở Paris, Tổng thống Sarkozy nhấn mạnh, mục đích của liên minh mới là bảo đảm cho người dân trong khu vực yêu thương nhau thay vì chống lại nhau. Ông kêu gọi các quốc gia Trung Đông đang có xung đột hãy chấm dứt vòng xoáy chết chóc của chiến tranh và bạo lực, như các nước châu Âu đã từng làm bằng cách thiết lập hòa bình với nhau trong thế kỷ 20.
Tổng thống Sarkozy tuyên bố, Chủ tịch EU - vị trí mà Pháp đang nắm giữ - luôn tận tâm với tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông khẳng định cả liên minh “sẽ cùng kiến tạo hòa bình ở Địa Trung Hải, giống như chúng ta từng xây dựng hòa bình ở châu Âu”. Tổng thống Pháp đã tỏ rõ sự phấn chấn trước sự hiện diện tại Paris của đông đảo lãnh đạo các quốc gia bờ Địa Trung Hải. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng, liên minh mới không có nền tảng căn bản trong khi giới ngoại giao cho hay vẫn còn nhiều bất đồng tiếp diễn về các vấn đề then chốt, chẳng hạn như cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và vai trò của Liên đoàn Ảrập.
Lãnh đạo duy nhất tẩy chay hội nghị Paris là Tổng thống Libya, Muammar Gaddafi. Ông này miêu tả liên minh Địa Trung Hải là một loại chủ nghĩa thực dân mới. Trong khi đó, lãnh đạo Israel và Palestine đã bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán hòa bình. Thủ tướng Ehud Olmert cho biết, Israel và người Palestine chưa bao giờ tiến sát đến một thỏa thuận hòa bình như hiện nay. Ông cũng bày tỏ mong muốn hội đàm trực tiếp với Syria song với điều kiện không gây cản trở hòa đàm với người Palestine.
GIA HUY (Theo BBC, AFP, VOA)