.

Sóng gió lại nổi lên từ thỏa thuận tên lửa

.

Mặc dầu không tốn nhiều bút mực như việc chỉ trích “nói nhiều làm ít” tại Hội nghị Thượng đỉnh G8, nhưng sự kiện Mỹ ký kết thỏa thuận sơ bộ đặt một phần của hệ thống tên lửa phòng thủ gây tranh cãi ở CH Séc trong tuần qua đã dấy lên lo ngại mất thế cân bằng Đông-Tây trong vấn đề an ninh ở châu Âu. Động thái này một lần nữa đã làm tăng thêm bầu không khí căng thẳng giữa quan hệ Nga-Mỹ.

Vụ thử nghiệm tên lửa Shahab-3 của Iran, có thể vươn tới Israel, làm dấy lên những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Israel, một đồng minh quân sự của Mỹ.


Moscow ngay lập tức đã cảnh báo Mỹ rằng Nga sẽ buộc phải phản ứng bằng các biện pháp quân sự-kỹ thuật, nếu một lá chắn chống tên lửa chiến lược của Mỹ được triển khai gần biên giới của Nga. Với việc bỏ ra một chi phí tương đối nhỏ cho dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, nhưng nước Mỹ sẽ được bảo vệ từ xa, nghĩa là có thể phát hiện các cuộc tấn công khi tên lửa thù địch còn ở châu Âu, hay châu Á. Tuy nhiên, Nga cho rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ lắp đặt tại Đông Âu là đe dọa đến an ninh quốc gia Nga và nước này có thể đáp trả bằng các biện pháp quân sự-kỹ thuật như phát triển tên lửa liên lục địa, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo…

Cũng liên quan đến vấn đề tên lửa, trong hai ngày 9 và 10-7, Iran đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm trung và tầm xa. Trong số các tên lửa mà Iran phóng rạng sáng 10-7 có một phiên bản mới của Shahab-3. Tên lửa này có tầm bắn 2.000 km và được trang bị đầu đạn thông thường nặng 1 tấn, có thể vươn tới Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, bán đảo Ảrập, Afghanistan và Pakistan.

Tuy nhiên, qua việc thử nghiệm cho thấy, các loại tên lửa này đã không tiến bộ mấy về kỹ thuật so với các loại tên lửa được thử nghiệm trước đây. Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh, tên lửa Iran chỉ giới hạn ở tầm bắn 2.000 km, không đủ khả năng uy hiếp châu Âu. Trong khi đó, Mỹ muốn đặt các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và CH Séc, nhằm chống lại mối đe doạ từ những nước như Iran và CHDCND Triều Tiên là phi lý. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng bất cứ vấn đề gì liên quan đến Iran đều có thể được giải quyết thông qua đàm phán, qua các kênh ngoại giao và chính trị chứ không phải qua sự đe dọa”.

Trong khi đó tại Nhật Bản, hội nghị G8 diễn ra trong ba ngày từ 7 đến 9-7 vốn được mong đợi sẽ đưa ra được những đột phá mới để giải quyết những vấn nạn kinh tế thế giới, thì bị chỉ trích là “nói nhiều làm ít”. Với tâm điểm chương trình nghị sự là 3 vấn đề tài chính, nhiên liệu và lương thực nhưng trên thực tế, chúng chưa có tính đột phá nào so với Hội nghị G8 trước đây diễn ra tại Đức. Các “ông lớn” vẫn bỏ qua nhiều điểm nóng ngoài việc đưa ra một số tuyên bố quan trọng như giảm một nửa lượng khí thải công nghiệp vào năm 2050, kêu gọi CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân…

Cũng tại châu Á, chính trường Thái Lan vẫn “nóng” lên khi Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Pattama, hôm 10-7, tuyên bố từ chức sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết ông đã vi phạm hiến pháp do ký thỏa thuận về ngôi đền Preah Vihear đang tranh cãi với Campuchia. Những biến động mới nhất trên chính trường Thái Lan đã khiến Thủ tướng Thái Lan Xa-mặc Xun-đa-ra-vệt ngày 11-7, phải ra tuyên bố sẽ cải tổ nội các lớn trong chính phủ liên hiệp Thái Lan trong ít ngày tới. Đây được xem là bước đi nhằm giữ vững Chính phủ Thái Lan của Thủ tướng Xa-mặc trước sức ép ngày một lớn của phe đối lập với liên minh cầm quyền.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.