Khi Pháp chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng từ Slovenia, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã cam kết một chương trình hành động giải quyết các vấn đề từ nhập cư đến cải cách nông nghiệp và quốc phòng.
Ông Sarkozy đang mang tham vọng cải cách EU. Ảnh: Reuters |
Ông Sarkozy chủ trương xây dựng cho EU lực lượng phản ứng nhanh với 60.000 quân, xây dựng một nền công nghiệp quân sự có khả năng trang bị tàu chiến, máy bay và các thiết bị quân sự cho lực lượng này, đồng thời có khả năng cạnh tranh với nền công nghiệp quân sự của Mỹ. Về năng lượng và khí hậu, EU mong muốn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nên đặt mục tiêu giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch lên 20% (so với năm 2005) vào năm 2020.
EU còn chủ trương thắt chặt quy định đối với người nhập cư trái phép nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư ồ ạt. Theo đó, người nhập cư bất hợp pháp có thể bị bắt giam từ 6 - 18 tháng trước khi bị trục xuất và bị cấm quay lại châu Âu 5 năm sau. Có thể khẳng định rằng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng hy vọng với vị trí mới trong 6 tháng, kể từ ngày 1-7, ông sẽ đưa nước Pháp trở lại với vị trí vốn có của nó - một quốc gia năng động và linh hồn chính trị của EU.
Ngay khi tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của EU, Tổng thống Sarkozy cho rằng “có điều gì đó không hoàn toàn đúng” với khối này. Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Sarkozy cảnh báo người dân EU đang ngày càng ít tin tưởng vào mô hình khối. Pháp đã đưa ra đề xuất của mình trong các lĩnh vực nhập cư, môi trường, nông nghiệp và quốc phòng trong suốt 6 tháng giữ chức chủ tịch. Ông Sarkozy nói ưu tiên của ông sẽ là thuyết phục tất cả các nước thành viên thông qua Hiệp ước Lisbon và xem còn những gì có thể thực hiện được.
Tháp Eiffel lấp lánh những ngôi sao vàng trên nền xanh trong ngày 1-7, khi Pháp chính thức trở thành Chủ tịch luân phiên EU. Ảnh: AP |
Ngày 11-7 tới, ông Sarkozy dự kiến sẽ đến Ireland để lắng nghe những quan tâm của cử tri nước này nhưng nỗ lực của ông sẽ khó có khả năng thúc đẩy Hiệp ước thành công cho đến tháng 10-2008, thời điểm một Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra để các nhà lãnh đạo đánh giá lại số phận của Hiệp ước và một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Hiệp ước Lisbon có khả năng diễn ra ở Ireland.
Với hy vọng đưa EU vào một kỷ nguyên mới đầy sức mạnh và đoàn kết, giờ đây, ông Sarkozy phải dành phần lớn thời gian trong 6 tháng tới để cứu vãn Hiệp ước Lisbon. Nhiệm vụ của ông Sarkozy còn khó khăn hơn khi Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp ước vì cho rằng, văn bản này đã trở nên vô nghĩa khi bị “chết yểu” ở Ireland. Đây là một đòn giáng mạnh vào người đồng cấp Pháp của ông Lech Kaczynski. Và Cộng hòa Czech sẽ có thể là quốc gia tiếp theo “thọc gậy” ngăn cản nỗ lực hướng đến thành công của Pháp.
Hiệp ước Lisbon không thể có hiệu lực, chừng nào chưa được cả 27 nước thành viên EU thông qua. Mục đích của hiệp ước này là cải tổ quy trình ra quyết sách của EU sau khi mở rộng khối. Ngoài ra, các nước cũng sẽ bầu chọn ra một Chủ tịch và một Ngoại trưởng mới cho EU, công việc mà Pháp sẽ phải chịu trách nhiệm điều hành cho tới cuối nhiệm kỳ.
Đó là chưa nói đến kế hoạch mở rộng EU cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, Croatia sẽ gia nhập EU vào năm 2010, sau đó tới lượt một số quốc gia Balcan khác và Thổ Nhĩ Kỳ. Song, hiện tại EU bị chia rẽ bởi 2 lập trường khác biệt với một bên cho rằng không nên kết nạp thành viên mới, trong khi nhiều thành viên lại không đồng tình với quan điểm này.
Đêm 30-6, khi Pháp nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Tháp Eiffel lấp lánh những ngôi sao vàng trên nền xanh, tượng trưng cho màu sắc của EU. Nhưng sáng sớm hôm 30-6, các tài xế xe tải ở Pháp vẫn tiếp tục biểu tình, phong tỏa các con đường chung quanh Paris nhằm phản đối việc tăng giá nhiên liệu. Xem ra, chặng đường của Tổng thống Nicolas Sarkozy để thực hiện tham vọng cải cách và hàn gắn EU vẫn còn lắm chông gai, nhất là khi uy tín của cá nhân ông ở trong nước bị giảm sút nghiêm trọng.
Thiên Bình