.

Thách thức kinh tế trở thành tâm điểm trước hội nghị G8

.

Trước hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ nhóm họp tại Nhật Bản bắt đầu vào ngày 7 đến 9-7, tuy nhiên trong tuần qua, cùng với sự leo thang của giá dầu, lạm phát tăng vọt, vấn đề kinh tế thế giới đã trở thành sự kiện nóng bỏng được các phương tiện thông tin đại chúng mổ xẻ và đặt ra hàng loạt thách thức cho các nhà lãnh đạo của 8 cường quốc kinh tế thế giới trước khi hội nghị G8 diễn ra.

Giá dầu leo thang từng ngày làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. 

Ông Robert Hormats, Phó Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs (International) Corp. ở New York cho rằng, tình hình kinh tế thế giới đã thay đổi theo chiều hướng xấu. Theo ông, các vấn đề kinh tế hiện nay nghiêm trọng hơn và lan rộng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - khi ấy “sự đau đớn” chỉ giới hạn ở các nền kinh tế mới nổi. Ông nói: “Giờ chúng ta đang chứng kiến sự hỗn loạn tài chính mà tâm điểm là Mỹ”. Lạm phát lương thực và dầu mỏ “là các vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới đại bộ phận dân chúng”.

Về dầu lửa, giới phân tích không mấy tin tưởng các lãnh đạo G8 - gồm đại diện của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Italia và Canada - sẽ làm được điều gì đó nhiều hơn việc kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng cường sản lượng, lặp lại thông điệp mà Bộ trưởng Tài chính các nước này đưa ra trong cuộc họp ở Osaka tháng trước. Khi ấy, các nước này đã có nhiều quan điểm khác biệt nhau trong việc xác định nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao. Đức, Pháp và Italia cáo buộc những người đầu cơ chịu trách nhiệm chính trong khi Mỹ và Anh cho rằng trọng tâm là tăng cường sản lượng khai thác.

Cũng trong tuần qua, bài viết “Mỹ đang chuẩn bị chiến trường ở Iran” đăng trên tờ The New Yorker đã làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng Mỹ sắp tấn công Iran sau khi nói rằng chính quyền Bush đã thực hiện một “bước leo thang lớn” trong các hoạt động bí mật tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, tại châu Á, Mông Cổ đối mặt với những cuộc biểu tình bạo lực tồi tệ nhất trong vòng 18 năm qua buộc Tổng thống Mông Cổ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và cho phép các lực lượng an ninh trấn áp đoàn biểu tình. Đến ngày 3-7, thủ đô nước này mới được yên tĩnh trở lại. Một số nhà phân tích nghi ngờ phía sau cuộc bạo động này có sự dính líu của phương Tây.

Sự kiện Mỹ và Ba Lan vừa đạt được thỏa thuận về việc lắp đặt một phần hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Ba Lan (theo lời một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ) cũng tốn nhiều giấy bút của không ít các nhà báo châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Ba Lan hôm 4-7 cho hay, Warsaw đã từ chối đề xuất của phía Mỹ nhưng để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi xem xét đề xuất lắp đặt 10 tên lửa bắn chặn của Mỹ ở miền bắc Ba Lan, Thủ tướng Tusk của Ba Lan tuyên bố: “Chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả thỏa đáng về vấn đề tăng cường mức độ an ninh của Ba Lan”.

Cũng tại châu Âu, hôm 1-7, Pháp đã chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU, đúng vào thời điểm liên minh này đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế cũng như sự bất đồng về Hiệp ước Lisbon liên quan đến kế hoạch cải tổ EU khi Ireland và Ba Lan từ chối thông qua. Pháp đã đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng trong 6 tháng làm Chủ tịch EU, bao gồm các vấn đề nhập cư, quốc phòng, môi trường và nông nghiệp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đây là nhiệm vụ “bất khả thi” vì nó còn xa vời với thực tế.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.