.

Tranh chấp Campuchia-Thái Lan leo thang

.

Tranh chấp giữa hai nước láng giềng Campuchia-Thái Lan đang leo thang nghiêm trọng. Đầu tuần này Campuchia cảnh báo, vụ tranh chấp biên giới với Thái Lan là “tình trạng chiến tranh”, và kêu gọi Liên hiệp quốc (LHQ), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tay can thiệp giữa lúc hàng trăm binh lính của hai bên hằm hè chĩa súng vào nhau trong ngày thứ tám liên tiếp.

Nhà sư Campuchia trên đền Preah Vihear đang tranh chấp.

Hội nghị song phương trong ngày thứ hai vừa qua đã thất bại, không tháo gỡ được ngòi nổ tranh chấp và quân đội hai bên vẫn tiếp tục cắm trại trong khu đền cổ Preah Vihear nằm chênh vênh trên đỉnh một vách đá thuộc dãy núi Đăng rếch, ranh giới giữa hai nước. Đây là biến cố mới nhất trong chuỗi xung đột lãnh thổ kéo dài hàng chục năm nay giữa hai quốc gia.

“Đây là tình trạng chuẩn bị chiến tranh, là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng đối với độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước tôi; chúng tôi có nghĩa vụ báo cáo và yêu cầu sự can thiệp của Hội đồng Bảo an LHQ”, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tuyên bố trong văn thư gửi Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh, Chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông cũng cho biết, Đại sứ Campuchia tại LHQ hôm thứ hai đã đệ trình yêu cầu Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp để tìm giải pháp cho vấn đề dựa trên công pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Hor Namhong cũng đã phát biểu tại Hội nghị thường niên Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN đang họp tại Singapore, kêu gọi các đồng sự trong hiệp hội giúp đỡ tìm một giải pháp cho cuộc tranh chấp. Trong lá thư gửi Ngoại trưởng Singapore George Yeo - nước chủ nhà của Hội nghị ASEAN, Ngoại trưởng Hor Namhong xác định: “Quân đội Thái Lan với xe tăng và trọng pháo, đang tập trung ngày càng đông ở biên giới, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia mà cả với hòa bình, ổn định của khu vực”.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, Tharit Charungvat cho rằng, Campuchia có quyền khiếu nại lên Hội đồng Bảo an LHQ nhưng “chúng tôi tin rằng, các giải pháp song phương là phù hợp hơn cả”. Binh lính Thái được điều động tới khu vực này sau khi một nhóm các người phản đối ở Thái Lan thâm nhập vào khu đền cổ và binh lính Campuchia được điều tới để xua đuổi họ ra.

Binh lính Campuchia tuần tra quanh khu đền Preah Vihear.

Vụ tranh chấp xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm cho cả hai nước. Chủ nhật này Campuchia sẽ tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới, trong lúc ở Thái Lan Chính phủ liên hiệp nhiều bên đang bị phe đối lập tấn công dữ dội và phe đối lập đang sử dụng vụ tranh chấp với Campuchia như một thứ vũ khí chính trị và kích động chủ nghĩa dân tộc.

Chủ quyền của khu đền cổ xây dựng từ thế kỷ 11 này đã bị đem ra tranh chấp từ khi thực dân Pháp bị đẩy khỏi Đông Dương vào giữa thập niên 1950. Năm 1962, Tòa án Công lý quốc tế đã công nhận chủ quyền của khu đền thuộc về Campuchia, bất chấp sự phản đối của Thái Lan. Nhưng căng thẳng bùng lên dữ dội vào đầu tháng này, khi UNESCO công nhận đền Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới, theo đề nghị của Campuchia, và sử dụng một tấm bản đồ do Campuchia cung cấp.

Phe đối lập chính trị của Thái Lan đã cáo buộc Chính phủ Thái bất lực trong việc ngăn chặn Campuchia và không phản đối hữu hiệu tấm bản đồ mà Campuchia đưa ra - vốn dựa trên một tấm bản đồ do người Pháp vẽ năm 1907. Bất đồng giữa hai nước tập trung vào phần diện tích đất 4,6 ki-lô-mét vuông kế cận khu đền mà phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế năm 1962 chưa đề cập tới.

Phe đối lập chính trị ở Thái Lan cho rằng, quy chế di sản văn hóa thế giới của đền Preah Vihear cùng với tấm bản đồ, có thể làm suy yếu yêu cầu đòi chủ quyền của Thái Lan đối với khu đền và vùng đất lân cận. Vấn đề càng trở nên phức tạp với sự tham gia gần đây của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ Thái Lan đối lập với Chính phủ - tập hợp cả những người vận động có xu hướng dân chủ và xu hướng bảo hoàng - đang muốn sử dụng vấn đề này để gây áp lực đòi Chính phủ Thái Lan phải từ chức.

Lãnh đạo của liên minh, ông Jamlong Srimuang, cho biết, liên minh đang chờ xem Chính phủ sẽ đối phó như thế nào trước yêu cầu của Campuchia nhờ LHQ và ASEAN can thiệp. “Xử lý vấn đề này là công việc của Chính phủ, chúng tôi chỉ là người đưa tin”, ông nói.
 
HUỲNH HOA
(Theo The New York Times)


;
.
.
.
.
.