.
TRANH CHẤP VỀ VĂN HÓA GIỮA CAMPUCHIA VÀ THÁI LAN

Chưa có hồi kết

.

Quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Campuchia và Thái Lan đang xấu đi nhanh chóng không chỉ do vụ tranh chấp lãnh thổ liên quan tới ngôi đền cổ Preah Vihear vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới mà còn do những bất đồng chung quanh sự ra đời của một bảo tàng Angkor tại tỉnh Siem Reap do một công ty Thái Lan làm chủ.

Ai cũng biết quần thể di tích Angkor - cùng hàng trăm đền tháp nổi tiếng - là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, cung cấp một cái nhìn vào nền văn hóa Khmer từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 15. Tuy vậy, du khách đến Angkor bây giờ vẫn khó mà hình dung ra những nghi lễ, phong tục và lối sống của người xưa. Gần như toàn bộ cổ vật của Angkor, chủ yếu là tượng, phù điêu, đồ thờ cúng và vật dụng cung đình, đã bị ăn cắp và đưa về các bảo tàng bên Pháp - lực lượng cai trị Campuchia thời thực dân châu Âu - hoặc ra các chợ cổ vật ở Thái Lan. Phần còn lại đã được quy tập về Bảo tàng Quốc gia Campuchia tại thủ đô Phnom Penh, cách Angkor chừng 350km.

Bảo tàng ANM của một công ty Thái Lan tại Angkor; bên phải là khu mua sắm gọi là “siêu thị văn hóa”.


Bây giờ một công ty Thái Lan - Vilailuck International Holdings, có trụ sở tại Bangkok - tuyên bố họ sẽ xóa đi cái khoảng trống này bằng cách xây dựng trong khu vực Angkor một bảo tàng, mang tên Bảo tàng Quốc gia Angkor (Angkor National Museum - ANM). Với số vốn đầu tư 15 triệu USD, ANM có một khu trưng bày cổ vật và một trung tâm mua sắm. Theo một thỏa thuận với phía Campuchia, bảo tàng ANM được mượn khoảng 1.000 pho tượng từ Bảo tàng Quốc gia Campuchia và từ Conservation d’Angkor - một kho bảo vật quốc gia có từ thời Pháp thuộc, hiện lưu trữ 6.000 cổ vật Angkor được sáng tạo trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau - để trưng bày tại bảo tàng ANM.
 
Sau 30 năm hoạt động, bảo tàng ANM sẽ được bàn giao toàn bộ cho Chính phủ Campuchia. Tại lễ khai trương bảo tàng ANM tháng 10 năm ngoái, Giám đốc điều hành, bà Sunaree Wongbiyabovorn, cho biết: “Chúng tôi muốn giáo dục người dân Campuchia về lịch sử của chính họ. Họ biết rất ít về gia tài văn hóa của tổ tiên mình, thậm chí không biết gì về sự tiến hóa của Phật giáo trong nền văn hóa Khmer…”

Thế nhưng, bảo tàng ANM đang phải hứng chịu sự phê phán của rất nhiều giới ở Campuchia và các chuyên gia bảo tồn văn hóa nước ngoài. Đối với người Campuchia, hoạt động của người Thái tại Angkor khơi dậy nỗi hoài nghi có tính chất lịch sử. Có thời vùng Angkor nằm dưới sự chiếm đóng của Xiêm (Thái Lan) và người Campuchia vẫn ác cảm với cái gọi là sự xâm lăng văn hóa của người Thái. Ác cảm đó bùng nổ năm 1999 khi người ta phát hiện nhiều bức phù điêu lớn chạm nổi tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay rất đẹp và thiêng liêng ở đền Banteay Chhmar của Campuchia bị đánh cắp đưa sang Thái Lan.

Sau đó năm 2003, các vụ bạo loạn bài Thái Lan bùng ra mạnh mẽ ở thủ đô Phnom Penh sau khi một nữ diễn viên Thái Lan trâng tráo tuyên bố rằng di tích Angkor Wat vẫn thuộc quyền sở hữu của đất nước cô ta. Mới đây tranh chấp chủ quyền phần đất chung quanh đền Preah Vihear đã diễn ra căng thẳng đến nỗi lực lượng an ninh Campuchia phải triển khai bảo vệ cơ quan ngoại giao và cơ sở kinh tế của người Thái ở Phnom Penh và các thành phố khác, đề phòng dân chúng nổi loạn phá phách.

Sự tương đồng về văn hóa giữa Thái Lan và Campuchia dễ đưa đến tranh chấp: ẢNH: Phù điêu trên tường khu đền Angkor Wat, rất giống với phù điêu ở các đền chùa Thái Lan.


Nhà nghiên cứu lịch sử Angkor Darryl Collins thường trú ở Siem Reap cho rằng, sự bất bình của người Campuchia là dễ hiểu. Một dự án đầu tư nước ngoài, lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính, song lại lập lờ xưng danh “bảo tàng quốc gia” trong khi Campuchia đã có một bảo tàng quốc gia thực thụ đặt tại thủ đô, là điều không chấp nhận được.

Các chuyên gia bảo tồn làm việc cho UNESCO và các tổ chức văn hóa quốc tế khác thì không tán thành việc xây dựng công trình mới, hiện đại trong khu vực Angkor - là khu vực được bảo vệ đặc biệt theo quy chế di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt, bảo tàng ANM với một khu mua sắm hoành tráng - mà chủ đầu tư gọi là “siêu thị văn hóa”, bày bán hàng ngàn pho tượng mới mô phỏng tượng cổ ở Angkor - càng gây phản cảm cho giới nghiên cứu và du khách có trình độ.

Giáo sư Azedine Beschaouch, chuyên gia hàng đầu về Angkor và là cố vấn đặc biệt cho Tổng giám đốc UNESCO, chua chát nhận xét: “Dường như trong ý tưởng của nhà đầu tư, bán hàng là ưu tiên một, sau đó mới tới trưng bày, triển lãm”. Để chứng minh, giáo sư Beschaouch chỉ ra rằng việc sắp xếp, trưng bày, thuyết minh trong bảo tàng ANM hoàn toàn không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của ngành bảo tàng học. Mặc dù bảo tàng ANM đã mở cửa hoạt động hơn nửa năm nay, nhiều hiện vật trưng bày vẫn chưa có nhãn, chưa có chú thích, thuyết minh để người xem biết nó là cái gì, từ đâu ra, vào thời đại nào.

Trước phản ứng của dư luận, Bảo tàng Quốc gia Campuchia phải điều chỉnh thỏa thuận với bảo tàng ANM, chỉ cho mượn một số hiện vật ít giá trị, vì “không muốn làm hỏng tính toàn vẹn của các bộ sưu tập được trưng bày vĩnh viễn ở Bảo tàng Quốc gia”, ông Hab Touch, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Campuchia, cho biết.

Đầu tuần này, Hội nghị UNESCO tại Quebec (Canada) chính thức công nhận đền Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới theo đề nghị của chính phủ Campuchia và bất chấp sự phản đối của Thái Lan. Tuy sự công nhận này không có ý nghĩa xác lập chủ quyền lãnh thổ, không liên can trực tiếp tới cuộc tranh chấp, song vẫn còn đó mối tị hiềm giữa hai quốc gia láng giềng chung quanh những vấn đề văn hóa và di sản - những bài toán khó giải hơn nhiều so với những xung đột về kinh tế, xã hội.                

HUỲNH HOA

;
.
.
.
.
.