(ĐNĐT) - Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đang phải đối mặt với áp lực từ chức ngày càng gia tăng khi những người biểu tình chống chính phủ đã chiếm giữ trụ sở của ông sang ngày thứ 5 vào hôm nay (30-8) và làm ngưng trệ hoạt động của đường sắt và dịch vụ hàng không tại một số điểm du lịch ở Thái Lan.
Những người biểu tình trước Toà nhà Chính phủ hôm 30-8. Ảnh: AFP |
Tình trạng hỗn loạn leo thang hôm qua (29-8), khi những người biểu tình xung đột với cảnh sát và kiểm soát tất cả các lối vào Tòa nhà Chính phủ. Những người biểu tình còn chiếm các đường băng và phong tỏa các con đường tại 3 sân bay quốc tế ở phía nam là Hat Yai, Phuket và Krabi, buộc các quan chức đóng cửa các sân bay này và hủy nhiều chuyến bay đến và đi, trong nước và quốc tế khiến rất nhiều hành khách bị kẹt. Chỉ có sân bay Hat Yai hôm nay đã mở cửa trở lại.
Tối hôm qua, một đám đông khoảng 2.000 người đã tấn công trụ sở chính của cảnh sát tại Bangkok. Có khoảng 30 người đã bị thương khi cảnh sát dùng súng cao su và hơi cay để đẩy lùi những người này. Trong khi đó, Đường sắt Quốc gia Thái Lan cho biết, khoảng ¼ trong tổng số các dịch vụ đường sắt đã bị ngưng trệ từ hôm 28-8 sau khi gần 250 tài xế và thợ máy xin nghỉ làm để ủng hộ cho cuộc biểu tình.
Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng Samak đã gặp gỡ các quan chức quân sự. Theo báo Bangkok Post, Tổng tư lệnh quân đội Thái, Tướng Anupong Paojinda đã bác bỏ đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Samak và thay vào đó, đề nghị Thủ tướng hãy từ chức hoặc giải tán Hạ viện nhằm xoa dịu căng thẳng. Ông Banharn Silapa-archa, Chủ tịch đảng Chart Thai - một thành viên chủ chốt trong liên minh cầm quyền 6 đảng của Thủ tướng Samak - cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp đêm qua với ông Samak và các lãnh đạo khác của liên minh. Các đảng đồng minh muốn ông Samak từ chức để tháo ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện tại nhưng không muốn ông giải tán Quốc hội.
Nhật Lê (Theo Bangkok Post, Reuters, AFP)