.

Chủ quyền và xung đột!

.

Chiến sự ác liệt ở Georgia trong những ngày qua đã làm cho thế giới ngoại giao trở nên nhộn nhịp. Nam Ossetia, Georgia và Nga bị cuốn vào “vòng xoáy” xung đột vì mỗi bên đều muốn bảo vệ lợi ích của riêng mình. Đây là cuộc xung đột tồi tệ nhất kể từ khi Nam Ossetia tuyên bố độc lập trong cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1992, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến khác sẽ lại bùng nổ. 

Ít nhất 2.000 thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột.  (Ảnh: Reuters)


Giao tranh giữa quân đội Georgia và lực lượng của Nam Ossetia nổ ra dữ dội bắt đầu từ 7-8, chỉ vài giờ sau khi hai bên đồng ý ngừng bắn qua sự trung gian hòa giải của Nga. Georgia sau đó kiên quyết mở cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực ly khai Nam Ossetia và vô hình trung kéo Nga vào cuộc xung đột này. Và vì thế, “cuộc chiến” này không chỉ là cuộc xung đột chủ yếu giữa Nga và Georgia mà còn đang bị lo ngại có nguy cơ sẽ lan rộng ra Abkhazia, một khu vực ly khai khác của Georgia.
 
Song, đằng sau đó còn là cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ nhằm tranh giành ảnh hưởng ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Thủ tướng Nga Vladimir Putin gọi việc tấn công của quân đội Georgia vào Nam Ossetia là hành động “diệt chủng” và yêu cầu phải tiến hành điều tra sự việc này. Ngày 10-8, máy bay Nga bị cáo buộc đã oanh kích đường băng của sân bay quân sự nằm gần sân bay quốc tế của thủ đô Tbilisi của Georgia. Tàu chiến của Nga cũng đã cập cảng Ochamchira thuộc khu vực Abkhazia. Sau những ngày xung đột, hôm qua, Georgia tuyên bố rút quân khỏi Nam Ossetia nhằm bảo vệ dân thường khỏi một “thảm họa nhân đạo”. Tuy nhiên, Hãng tin Interfax dẫn lời các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga nói rằng, lực lượng Georgia vẫn hiện diện tại khu vực ly khai Nam Ossetia…

Nam Ossetia là một trong 3 vùng của Georgia, trong đó có Abkhazia và Ajaria, đã được hưởng quy chế bán tự trị theo hiến pháp Liên Xô. Các lực lượng ly khai ở mỗi vùng đã quyết định đi theo Nga sau khi Liên Xô tan rã và chống lại mọi nỗ lực kiểm soát của nhà nước mới Georgia. Bắc Ossetia thuộc Nga, còn Nam Ossetia vốn thuộc Georgia nhưng ly khai kể từ cuộc xung đột đầu những năm 1990. Về mặt ngoại giao, nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Chính quyền ly khai tại Nam Ossetia muốn sáp nhập vào Nga, nhưng Georgia kiên quyết phản đối và coi đây là một phần lãnh thổ của họ.

Các đặc phái viên ngoại giao của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đến Georgia, trong khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và EU kêu gọi các bên ngừng bắn và trở lại các cuộc đàm phán hòa bình. Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết Mỹ, EU và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) sẽ gửi một phái đoàn chung đến Georgia để tìm cách đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Riêng Mỹ sẽ gửi một đặc phái viên đến khu vực này để thảo luận với các bên liên quan. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những nỗ lực ngoại giao này khó có thể thành công vì Mátxcơva đã tỏ rõ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia.

Hiện tại, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để chấm dứt cuộc xung đột tại Nam Ossetia. Hội đồng Bảo an LHQ đã kết thúc vòng thảo luận không chính thức mà vẫn không nhất trí được về một tuyên bố kêu gọi các bên ngừng bắn. Mỹ và các nước châu Âu đang tìm kiếm một giải pháp tức thì để chấm dứt cuộc xung đột và hướng đến cam kết lâu dài giữa Nga và Georgia để bình ổn khu vực Caucasus này.
                 
THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.