(ĐNĐT) - Việc Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf từ chức có thể “mở đường” để Mỹ gầy dựng các mối quan hệ thân thiết hơn với một chính phủ dân chủ mới và đáp ứng những gì mà nhiều nhà lập pháp Mỹ và các lực lượng đối lập Pakistan đã hối thúc từ lâu.
Người dân Pakistan nhảy múa trên đường phố sau khi ông Musharraf tuyên bố từ chức hôm 18-8. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người dân Pakistan đã rất giận dữ trước sự ủng hộ của Mỹ đối với vị cựu lãnh đạo quân đội, người đã lên nắm giữ quyền lực sau một cuộc đảo chính quân sự năm 1999. Đại sứ Pakistan tại Mỹ, Husain Haqqani, trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông không nghi ngờ gì về việc “quan hệ Mỹ-Pakistan sẽ trở nên gắn bó hơn sau khi ông Musharraf đã rời khỏi chính trường.”
Chính quyền Bush trở thành người ủng hộ trung thành cho ông Musharraf sau khi ông này đứng về phía Mỹ trong việc truy bắt những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan sau vụ tấn công khủng bố 11-9. Washington đã đổ hàng tỷ USD vào các khoản viện trợ cho Pakistan và chỉ mới năm ngoái, đã nhắc tới ông Musharraf như một thành viên “không thể thiếu” đối với Mỹ trong cuộc chiến chống lại phe cực đoan ở đất nước có trang bị vũ khí hạt nhân này.
Ông Musharraf đã chứng tỏ mình là một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến đó, mặc dù người dân Pakistan cho rằng bạo lực gia tăng là do ông Musharraf sử dụng quân đội chống lại thế lực này. Ông Musharraf cũng làm dấy lên các cuộc biểu tình căm phẫn hồi tháng 11 năm ngoái khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thanh trừng Tòa án Tối cao khi tòa án này chỉ còn vài ngày nữa là ra phán quyết bác bỏ việc ông tiếp tục nắm quyền.
Sau cuộc bầu cử nghị viện hồi tháng 2 năm nay, với chiến thắng thuộc về hai đảng đối lập, và kéo theo sau đó là sự sụt giảm quyền lực của ông Musharraf, chính quyền Bush bắt đầu thay đổi thái độ, nhiều lần lặp lại rằng tương lai của ông Musharraf là chuyện nội bộ của Pakistan.
Trước tin Tổng thống Musharraf từ chức, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hôm qua (18-8) đã nhắc lại những thái độ trước đây của chính quyền Bush dành cho ông Musharraf bằng việc bày tỏ “sự biết ơn sâu sắc” đối với quyết định tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan do Mỹ dẫn đầu của cựu Tổng thống Pakistan. Bà Rice gọi ông Musharraf là “một trong những cộng sự tận tâm nhất thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố”. Bên cạnh đó, bà Rice cũng tỏ ra thận trọng khi đưa ra những dấu hiệu về sự ủng hộ mạnh mẽ trước chính phủ mới đã đẩy ông Musharraf “ra khỏi cuộc chơi”. Bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các lãnh đạo mới của Pakistan.
Trong khi đó, người dân Pakistan hôm qua đã nhảy múa trên các đường phố sau tuyên bố từ chức của ông Musharraf, nhiều người tin tưởng rằng sự ra đi của ông sẽ đem lại một sự cải thiện đáng kể cho cuộc sống của họ.
Ni Na (Theo AP, Reuters)