.

Nga hoàn tất rút quân khỏi Gruzia vào ngày 22-8

.

(ĐNĐT) - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua (19-8) đưa ra cam kết mới về việc rút quân khỏi Gruzia giữa lúc các mối quan hệ Nga-NATO giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Nga cam kết việc rút quân sẽ hoàn tất trong hai ngày 21 và 22-8. Ảnh: AFP

Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp và là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, Nicolas Sarkozy, Tổng thống Medvedev đã tuyên bố rằng việc rút quân sẽ hoàn tất vào ngày 21 và 22-8, ngoại trừ đội ngũ 500 binh lính Nga có nhiệm vụ thực thi các biện pháp an ninh bổ sung trong khuôn khổ thỏa thuận ngày 12-8 vừa qua.

Tại phiên họp khẩn cấp tại Brussel hôm qua, NATO đã cáo buộc Nga thiếu cân đối trong việc sử dụng vũ lực và không tôn trọng kế hoạch hòa bình do Pháp bảo trợ. Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer nói rằng ông rất rõ ràng trong các đánh giá của mình đối với xung đột Nam Ossetia. Tuy nhiên, khi được hỏi về những hành động của Gruzia thì ông từ chối không bình luận gì. Các bộ trưởng NATO đã đồng ý việc ngưng các giao thiệp với Nga, nhưng lại không tiết lộ một động thái nào nhằm thúc đẩy sự gia nhập của Gruzia vào khối liên minh quân sự này như Tbilisi mong muốn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov “phản biện” lại rằng, tuyên bố được thông qua tại hội nghị là “không khách quan và thiên lệch”, và NATO đã không xem xét kỹ nguồn gốc của xung đột . Ông chỉ trích việc khối này ra sức cứu nguy cho “chế độ cai trị vô đạo đức” của Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili, một đồng minh thân thiết của phương Tây, đang tìm mọi cách đạt được vị trí thành viên của khối. Sau phiên họp của NATO, Nga tuyên bố sẽ rút ra những kết luận của riêng mình đối với quan điểm của NATO về xung đột Nam Ossetia.

Căng thẳng giữa Nga và NATO bắt đầu leo thang khi những lời chỉ trích từ phương Tây đối với việc trì hoãn rút quân của Nga ngày càng tăng lên. Nga đã cho rút lui hải quân của mình khỏi các buổi diễn tập chung với NATO, trong khi khối này tuyên bố rằng sẽ không thể có chuyện “mọi việc sẽ đâu vào đấy” với Nga chừng nào Nga thực hiện những cam kết của mình.

Tại phiên họp của Liên Hiệp Quốc sau đó, nghị quyết dự thảo do Mỹ ủng hộ đã được đưa ra thảo luận nhưng đã bị Nga bác bỏ. Văn bản dự thảo đề cập đến “sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia trong địa phận được quốc tế công nhận”, trong khi Nga cho rằng Nam Ossetia và Abkhazia không muốn trở thành một phần của Gruzia.

Ni Na (Theo AFP, Reuters, RT)

;
.
.
.
.
.