Trong chuyến ghé thăm Seoul trên đường đi dự Thế vận hội Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ George Bush phải đối diện với một sự thật khó chịu: Báo chí Mỹ và Hàn Quốc vừa phơi bày những tội ác mà lính Mỹ gây ra đối với dân thường trong cuộc chiến tranh Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước.
Ngày 5-8-2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tới Seoul, bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc 2 ngày. Trong khi đó, nhiều người dân Hàn Quốc đã tập trung tại Seoul, biểu tình phản đối chuyến thăm này của Tổng thống Bush và việc Chính phủ Hàn Quốc nối lại nhập khẩu thịt bò Mỹ. TRONG ẢNH : Cảnh sát bắt giữ một số người quá khích trong cuộc biểu tình gần Seoul. (Ảnh: THX-TTXVN) |
Đảo Wolmi trên cửa sông dẫn vào cảng Inchon (Nam Hàn) giờ đây là một công viên lớn, nơi trẻ em và người về hưu đến chơi đùa, đi dạo dưới bóng cây, nhưng nửa thế kỷ trước nó là một xóm nhà bị bom
na-pan thiêu rụi. Trên hải cảng dưới chân ngọn đồi thấp bên kia sông, hàng hàng lớp lớp những chiếc xe hơi mới xuất xưởng, lấp lánh trong nắng, chờ được đưa xuống tàu chở đi khắp thế giới - biểu thị sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc.
Nhưng trong một túp lều cũ nát gần cổng vào công viên, một số người già vẫn thường tụ tập để kể về số phận hẩm hiu của họ trong cuộc chiến - những câu chuyện chưa từng được nói tới trong sách giáo khoa lịch sử chính thống. Một trong số những người già đó, ông Lee Beom-ki, 76 tuổi, kể lại: “Khi bom na-pan trút xuống làng tôi, mọi người vẫn còn đang ngủ trong nhà. Những người chạy thoát ra được thì lao xuống biển để tránh lửa. Chúng tôi cố ra dấu cho phi công Mỹ biết rằng chúng tôi là thường dân; nhưng họ vẫn cứ bắn, bất kể trẻ em hay phụ nữ”.
Câu chuyện về vụ ném bom được chứng thực trong hồ sơ lưu trữ của quân đội Mỹ vừa được giải mật sau 50 năm cho các nhà điều tra Hàn Quốc tham khảo. Hồ sơ ghi nhận rằng vào ngày 10 tháng 9 năm 1950, 5 ngày trước cuộc đổ bộ vào cảng Inchon, 43 máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã quần thảo trên bầu trời đảo Wolmi, ném xuống 93 thùng bom cháy (na-pan) để “dọn sạch” khu vực phía đông ngọn đồi, chuẩn bị cho quân đổ bộ. Hồ sơ lưu trữ và lời kể của những người dân còn sống sót thúc đẩy một ủy ban của Hàn Quốc điều tra những vụ thảm sát dân thường của lính Mỹ và lính Hàn Quốc lâu nay bị ém nhẹm.
Trong một phán quyết gần đây, Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc tuyên bố, những vụ tấn công dân thường như vậy là vi phạm công ước quốc tế về chiến tranh đồng thời đòi hỏi các nhà lãnh đạo Hàn Quốc phải yêu cầu phía Mỹ bồi thường. Theo Ủy ban này, quân đội Mỹ đã dùng vũ lực quá đáng khi đối phó với lính Trung Quốc và lính Bắc Triều Tiên vào các năm 1950, 1951 làm chết ít nhất 228 thường dân, và nhiều người nữa chưa thống kê hết.
Vụ ném bom đảo Wolmi sáng ngày 10-9-1950 xảy ra vào một thời điểm tuyệt vọng của quân đội Hàn Quốc. Cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào tháng 6-1950 khi quân đội Bắc Triều Tiên vượt giới tuyến, dồn quân Liên Hiệp Quốc và quân Nam Hàn xuống mũi cực nam của bán đảo Triều Tiên. Tháng 8-1950 quân Mỹ tham chiến và quyết định chiếm đảo Wolmi, mở đường vào cảng Inchon để đại quân đổ bộ chiếm lại Nam Hàn.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là dọn sạch khu vực đổ quân bằng bom na-pan để bảo đảm rằng mọi cứ điểm của đối phương đều bị thiêu rụi”, báo cáo của phi công hải quân Mỹ ghi nhận. Cuộc đổ bộ lên cảng Inchon đã giúp quân Liên Hiệp Quốc chiếm lại thủ đô Seoul và đẩy lùi quân Bắc Triều Tiên về bên kia giới tuyến.
Nhưng sau đó Hồng quân Trung Quốc tham chiến ở phía bắc, liên quân Bắc Triều Tiên - Trung Quốc tái chiếm Seoul. Trên đường rút lui về nam, lính Mỹ và lính Hàn Quốc tiếp tục gây ra hai cuộc thảm sát ở Tanyang và Sansong, khiến 218 người thiệt mạng. Ngoài ra quân đội Hàn Quốc cũng đã thủ tiêu hàng trăm tù nhân chính trị và dân thường bị tình nghi có cảm tình với cộng sản trong suốt thời gian chiến tranh.
Những sự kiện này bị giấu kín trong suốt nửa thế kỷ. Ủy ban Sự thật và Hòa giải được thành lập năm 2005, bắt đầu thu thập chứng cứ và đưa ra ánh sáng nhiều vụ thảm sát của quân đội Mỹ và quân đội Nam Hàn cho đến nay vẫn còn lẩn khuất trong bóng tối. Việc phơi bày sự thật lịch sử cũng làm dấy lên những cảm xúc trái ngược trong xã hội Hàn Quốc hiện thời, nhất là đối với người Mỹ mà Hàn Quốc đang có một mối liên minh mật thiết.
“Chúng ta không nên lãng quên hoặc che giấu cái chết của người dân thường vô tội, xảy ra không phải do lỗi lầm của một vài người lính mà do một sự tàn sát có hệ thống... Lịch sử dạy rằng chúng ta cần có một liên minh để tồn tại, nhưng liên minh đó phải đặt căn bản trên những nguyên tắc nhân bản”. Ông Kim Dong-choon, một quan chức cao cấp của Ủy ban, nhận xét.
Cho đến lúc này, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa tiết lộ kế hoạch hành động của họ sau khi những sự thật lịch sử được phát hiện; còn Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng họ chưa thể bình luận gì về các báo cáo nói trên mà phải chờ hành động chính thức của Chính phủ Hàn Quốc.
Anh Chung Ji-eun, một người lái tắc-xi ở Inchon, có cha bị giết trong cuộc thảm sát 58 năm về trước, nói rằng: “Không ai biết nỗi đau khổ mà gia đình chúng tôi phải chịu đựng. Cả hai Chính phủ đều nhấn mạnh đến tình hữu nghị nhưng họ chẳng bao giờ quan tâm đến những người như chúng tôi, những người đã bị hy sinh nhân danh tình hữu nghị và sự liên minh đó”.
HUỲNH HOA (Theo New York Times)