.

Ông Bush đi châu Á từ biệt

.

Tổng thống George W. Bush, hôm 4-8 đã lên đường tới thăm 3 nước châu Á lần cuối cùng với tư cách Tổng thống Mỹ. Trong chuyến công du kéo dài một tuần này, ông Bush sẽ có cơ hội phô trương những thành tựu đạt được trong chính sách ngoại giao ở châu Á cũng như thể hiện sự khéo léo trong việc rạch ròi giữa chính trị và thể thao.

Ông Bush đi châu Á từ biệt trước lúc mãn nhiệm vào tháng 1-2009.

Theo kế hoạch, sau khi tới thăm Hàn Quốc và Thái Lan, ông Bush sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh vào ngày 8-8 tới. Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Hàn Quốc, ông Bush dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Lee Myung-bak nhằm trấn an và bày tỏ sự cảm ơn đối với một đồng minh Mỹ. Ông Lee mới đây đã thể hiện thiện chí với Washington khi cho phép nối lại việc nhập khẩu thịt bò Mỹ. Động thái này đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rầm rộ chống Chính phủ trên khắp các đường phố Seoul vì người dân lo ngại bệnh bò điên.

Sau khi rời Hàn Quốc, Tổng thống Bush sẽ tới Thái Lan vào ngày 6-8 để gặp gỡ Thủ tướng Samak Sundaravej ở Bangkok. Chuyến thăm lần này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 175 năm thiết lập quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan. Theo Dennis Wilder, quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, tại các cuộc hội đàm, ông Bush sẽ nhấn mạnh đến vai trò của Thái Lan như một nước đồng minh quan trọng không thuộc NATO và có quan hệ tốt nhất với Mỹ ở Đông Á.

Cũng tại đây, Tổng thống Bush sẽ có bài diễn văn quan trọng về chính sách châu Á của Mỹ, nhìn lại những thành tựu mà Washington đã đạt được trong khu vực này suốt 8 năm ông cầm quyền. Phát biểu trước các phóng viên châu Á hồi tuần trước, Tổng thống Bush từng lên tiếng khẳng định quan hệ giữa Mỹ với một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là 3 nước ông sắp viếng thăm “chưa bao giờ tốt hơn hiện tại” nhờ nỗ lực to lớn của Chính phủ do ông đứng đầu.

Ngày 8-8, ông Bush sẽ có mặt tại Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2008. Trong 4 ngày lưu lại Trung Quốc, ông Bush sẽ hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Là một người hâm mộ thể thao, ông Bush cũng lên kế hoạch tới dự một buổi thi đấu bóng rổ giữa đội Mỹ và đội Trung Quốc.  Các nhà phân tích bình luận rằng, chuyến công du Trung Quốc lần này của vị lãnh đạo Nhà Trắng sắp mãn nhiệm vào tháng 1-2009 sẽ là một cuộc sát hạch tài ngoại giao cũng như khả năng rạch ròi giữa chính trị và thể thao của ông.

Nhiều nhà lập pháp hàng đầu và lãnh đạo tôn giáo bảo thủ ở Mỹ từng gây áp lực đòi ông Bush tẩy chay Olympic Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Bush khẳng định: “Tôi đã quyết định không chính trị hóa Thế vận hội, đây là sự kiện dành cho các vận động viên. Có rất nhiều thời gian dành cho chính trị và tôi tin mình sẽ có thời gian cho lĩnh vực này”. Theo giới quan sát, “cái khó” của ông Bush là phải tránh xúc phạm Bắc Kinh nhưng vẫn phải bảo vệ quan điểm của Washington trước những vấn đề chính trị nhạy cảm.
 
Ông Bush cũng sẽ phải luôn ghi nhớ rằng, những gì ông làm trong chuyến đi từ biệt Trung Quốc, một cường quốc đang gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, sẽ không chỉ trở thành một chủ điểm làm “nóng” lên cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra, mà còn là sự thể hiện những nỗ lực của ông nhằm bảo vệ di sản của chính sách ngoại giao.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.