.

PAD tiếp tục gây sức ép lên Chính phủ Thái

.

Cho tới hôm 27-8, hàng nghìn người biểu tình Thái Lan vẫn không chịu rời khỏi Dinh Thủ tướng ở thủ đô Bangkok và thề sẽ ở lại cho đến khi Chính phủ từ chức.

Cảnh sát chống bạo động của Thái Lan phá tường rào để vào bảo vệ khu nhà chính phủ hôm 27-8.

Đến sáng 27-8, một nửa khu nhà Chính phủ Thái vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà chức trách, nửa còn lại thuộc về đoàn biểu tình do Liên minh nhân dân vì Dân chủ (PAD) lãnh đạo. Theo Nhật báo Trung Hoa cho biết, cũng trong ngày hôm qua (27-8), hơn 2.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ một nửa khu nhà Chính phủ, từ phía sau tòa nhà Thai Khu Fah tới cửa sau, phía trước đại lộ Rajdamnoen Nok.

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình tiếp tục chiếm giữ bãi cỏ phía trước tòa nhà này. Cảnh sát đã giành quyền kiểm soát một số cửa ra vào, ngoại trừ cổng đối diện với đường Rama V, nơi PAD dùng để duy trì liên lạc với đám biểu tình chính ở cầu Makawan Rangsan. Lãnh đạo PAD Chamlong Srimuang đã có bài phát biểu hướng dẫn đám đông chống lại các biện pháp chống bạo động như thế nào.

Những người tổ chức biểu tình đã kêu gọi đám đông người phản đối tại địa điểm biểu tình chính di chuyển tới bãi cỏ trong khu nhà Chính phủ để tăng lực lượng ở đây. Động thái này được coi là nhằm ngăn cản cảnh sát trục xuất họ khỏi khu nhà Chính phủ. Theo hãng tin AFP, đa số người dân thủ đô Bangkok không ủng hộ các cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Cảnh sát Thái Lan đang chuẩn bị phát lệnh bắt giữ đối với 5 lãnh đạo của PAD bị tình nghi có liên quan tới một cuộc đột kích vào đài truyền hình quốc gia NBT ngày 26-8. Phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Surapol Tuanthong cho biết: “Cảnh sát đang thu thập các bằng chứng và sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để bắt giữ các lãnh đạo PAD, bao gồm Sondhi Limthongkul, Chamlong Srimuang, Pibhop Dhongchai, Somsak Kosaisuk và Somkiat Pongpaiboon. Ông Surapol còn cho biết, ngoài vụ việc ở NBT, cảnh sát cũng xem xét những hành động của các lãnh đạo PAD kể từ khi họ phát động các cuộc biểu tình trên đường phố.

Các cuộc biểu tình của PAD đã dẫn đến những lo lắng rằng Chính phủ có thể sẽ đưa ra sắc lệnh khẩn cấp và tạm ngưng dân chủ. Chúng cũng cho thấy những chia rẽ bên trong quân đội, với các nhóm ủng hộ và phản đối Thủ tướng Samak Sundaravej. Theo một nguồn tin Chính phủ giấu tên, Thủ tướng Samak đã dàn xếp được với các lãnh đạo quân sự cấp cao, trong đó có Chỉ huy quân đội, Tướng Anupong Paochinda và Tư lệnh quân khu 1, Tướng Prayuth Chan-ocha.

Tuy nhiên, một nhóm theo đường lối cứng rắn đã không chấp nhận và kêu gọi ông Samak từ chức khi biểu tình lên tới đỉnh điểm. Trước đó, Thủ tướng Samak nói với các phóng viên rằng ông không có ý định từ chức hoặc tuyên bố một sắc lệnh khẩn cấp, đồng thời nhấn mạnh những người biểu tình nào vi phạm pháp luật sẽ bị bắt. Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) gọi cuộc biểu tình mới nhất này là “cuộc chiến tổng lực cuối cùng” mà họ hoặc chiến thắng hoặc thất bại. Một số diễn biến quá khích trong cuộc biểu tình cho thấy bạo lực bắt đầu leo thang.

Hiện chưa rõ liệu ban lãnh đạo PAD, trong đó có ông Sondhi, có định đẩy các cuộc biểu tình ra ngoài tầm kiểm soát hay không. Nhiều nhà phân tích cho rằng, PAD đã tăng cường các cuộc biểu tình trong vài tuần gần đây là để “dụ” lực lượng an ninh vào một cuộc trấn áp và đó là cái cớ để quân đội sẽ ra tay thâu tóm quyền lực chính trị.
 
Theo giới phân tích, các cuộc tấn công của PAD vào các tòa nhà Chính phủ đã làm suy yếu quyền lực của Tướng Anupong và tiếp sức mạnh cho những người có lập trường cứng rắn lên nắm các vị trí chủ chốt khác trong quân đội.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.