.

Pakistan trên đường chông gai

.

Việc Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif rút khỏi liên minh cầm quyền, gia nhập phe đối lập, đang đẩy đất nước này vào khủng hoảng chính trị sâu sắc và làm suy yếu chính quyền mong manh sau khi Tổng thống Pervez Musharraf từ chức.

Những người ủng hộ đảng nhân dân pakistan bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Asif All Zardari làm Tổng thống nước này

Những bất đồng liên quan tới việc phục chức cho các thẩm phán từng bị ông Pervez Musharraf sa thải khi ông này còn là Tổng thống khiến các cuộc thương lượng giữa PML-N và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) không mang lại bất kỳ tia hy vọng nào. Theo cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, không có cam kết nào mà ông Asif Ali Zardari, phu quân của cố Thủ tướng Benazir Bhutto, đồng Chủ tịch PPP, đối tác trong liên minh cầm quyền đưa ra với PML-N được thực hiện. Ông Sharif cũng đã chỉ định cựu thẩm phán Saeed uz Zaman Siddiqui làm ứng cử viên của PML-N trong cuộc bầu cử Tổng thống Pakistan dự kiến được tổ chức ngày 6-9.

Việc Tổng thống Pervez Musharraf từ chức đã gia tăng hy vọng cho liên minh cầm quyền rằng, họ sẽ tập trung giải quyết tình trạng bạo lực và nền kinh tế đang sa sút. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi ông Musharraf rời bỏ cương vị, PML-N cũng rút lui. Như vậy, quốc gia Hồi giáo vốn phải đối mặt với sự bất ổn do các vụ đánh bom của phong trào chiến binh nổi loạn, bây giờ lại thêm đối mặt với tương lai là cuộc chiến chính trị quyết liệt để chọn người kế nhiệm ông Musharraf.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Asif Ali Zardari đã kêu gọi ông Sharif quay trở lại Chính phủ. Ông Zardari khẳng định sự tồn tại của PPP và PML-N là mấu chốt, đồng thời PPP muốn có sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Sharif trong nỗ lực thúc đẩy thể chế dân chủ của Pakistan. PPP lo ngại, nếu tất cả các thẩm phán bị ông Musharraf sa thải được phục hồi chức vụ thì họ có thể làm mất hiệu lực của một lệnh ân xá vốn dọn đường cho ông Zardari và bà Bhutto trở về nước vào năm ngoái. Điều đó mở ra khả năng ông Zardari sẽ bị khởi tố vì các cáo buộc tham nhũng.

BBC dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, vẫn chưa thể suy đoán về tương lai của Pakistan, nhưng việc PML-N rút lui khỏi liên minh sẽ làm cho nền dân chủ nước này suy yếu. Theo các chuyên gia phân tích hàng đầu của Pakistan, sự sụp đổ của liên minh cầm quyền là một thất bại lớn của nền dân chủ và không thể làm giảm bạo lực đang diễn ra tại nơi đây.
 

Cựu thủ tướng NawazShaif ( phải ) phát biểu trong cuộc họp báo ở Islamabad (ẢNH :AFP)


Một số nhận định khác cho rằng, liên minh tan vỡ sẽ tạo cơ hội cho PPP tập trung nhiều hơn vào các vấn đề cần giải quyết và tạo ra sự cân bằng mới trong quan hệ của đảng này với phe đối lập vừa được mở rộng vì có thêm PML-N. Thực tế, khi PML-N và PPP kết hợp với nhau tạo thành liên minh vào tháng 3-2008, thì liên minh này vốn đã chứa đựng sự mong manh bởi có quá nhiều bất đồng giữa 2 đảng. Mục đích của PML-N gia nhập liên minh là để phục chức cho các thẩm phán và lật đổ ông Musharraf, nhưng PPP và cả hai đảng nhỏ hơn trong liên minh là đảng Dân tộc Awami và đảng Jamiat Ulema-e-Islam-Fazal cũng không quan tâm đến 2 vấn đề này.

Cả 4 đảng trong liên minh chỉ thống nhất một điều: Bãi bỏ quyền sa thải Chính phủ và Quốc hội của Tổng thống Musharraf. Trong tiến trình thực hiện, cả 4 đảng, nhất là 2 đảng lớn PPP và PML-N, luôn tranh cãi vì không tìm được tiếng nói chung. Và sau gần 5 tháng tồn tại, liên minh này chẳng để lại “di sản” gì nổi bật, ngoài việc lật đổ ông Musharraf.

Thực ra, khủng hoảng chính trị không phải là vấn đề mới ở Pakistan nhưng sự chia rẽ giữa Sharif và Zardari hiện tại khiến các đồng minh phương Tây lo ngại về vai trò của đất nước Hồi giáo này trong cuộc chiến chống khủng bố. Song, Mỹ vẫn tuyên bố việc PML-N của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif rút khỏi liên minh cầm quyền sẽ không gây cản trở cho những nỗ lực “chống khủng bố” chung. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood nói: “Đó là vấn đề mang tính rất nội bộ của Pakistan.

Tôi không cho rằng nó sẽ có bất kỳ tác động nào đến những nỗ lực chung của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố”. Theo các nhà phân tích, vấn đề Pakistan cũng làm đau đầu Mỹ, đồng minh thân thiết của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố. Một chuyên gia phân tích của Mỹ về chính sách đối ngoại nhận định: “Pakistan có lẽ là vấn đề khó khăn đối với Tổng thống mới (của nước Mỹ). Đất nước này vừa là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố Jihad, với vụ ám sát bà Bhutto, vừa là nhà bảo trợ, thiên đường an toàn của chủ nghĩa khủng bố Jihad và nó không rõ ràng đứng về bên nào”.

Phúc Nguyên

;
.
.
.
.
.