.

Sau thành công của Olympic, điều gì sẽ đến với Trung Quốc?

.

(ĐNĐT) - Lễ bế mạc Olympic Bắc Kinh 2008 công phu đã kết thúc tối 24-8 cũng đồng thời chấm dứt gần một thập niên Trung Quốc lấy việc tổ chức kỳ Thế vận hội này làm nguyên tắc tổ chức trong đời sống sinh hoạt của cả quốc gia. Hầu như không có vấn đề nào có thể thay thế Olympic để đóng vai trò ưu tiên hàng đầu tại Trung Quốc.

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mọi nỗ lực đã được đền đáp. Olympic Bắc Kinh được hầu hết người Trung Quốc xem là thành công rực rỡ, với số lượng huy chương kỷ lục và làm cho mọi người trên toàn thế giới thích thú, nể phục, qua đó Bắc Kinh đã gây ấn tượng cho tất cả các du khách quốc tế về lòng hiếu khách và tính hiệu quả. Trung Quốc cũng đã chứng tỏ cho khán giả toàn cầu biết Trung Quốc là một cường quốc đang lên về chính trị và kinh tế.

Tình nguyện viên Olympic ngắm nhìn pháo hoa bên ngoài Sân vận động quốc gia Tổ chim trong Lễ Bế mạc Olympic Bắc Kinh 2008 . Ảnh: AP.


Nhưng, một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hậu Olympic đã bắt đầu. Câu hỏi bây giờ đặt ra là liệu sự tự tin đang trở nên mạnh mẽ do những kinh nghiệm có được trong việc tổ chức Thế vận hội lần này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào công cuộc cải cách trong nước và trên thế giới, hay thành công của Olympic sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo của quốc gia này rằng mô hình hiện nay của Trung Quốc đang hoạt động tốt.

“Trung Quốc đã háo hức thể hiện những điều chứng minh rằng quốc gia này là một cường quốc mới và có sức mạnh của riêng mình”, Shen Dingli, Giáo sư của Đại học Fudan Thượng Hải nhận định. “Trung Quốc có những vấn đề, tuy nhiên đồng thời cũng có thể kiểm soát chúng. Trung Quốc có những yếu điểm, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những điểm mạnh”.

Jacques Rogge, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chiều ngày 24-8 đã tuyên bố rằng, việc chọn Trung Quốc làm nước chủ nhà đã là một “sự lựa chọn đúng đắn” và đây là sự kiện đã bắt nhịp cầu kết nối Trung Quốc với toàn thế giới. Thế giới đã biết đến Trung Quốc và Trung Quốc đã biết về thế giới”, ông Rogge đã phát biểu, “Tôi tin tưởng sự kiện này sẽ có những ảnh hưởng tích cực trong một thời gian dài”.

Đối với tất cả mọi người chú ý đến kỳ Thế vận hội lần này, năm 2008 cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm Trung Quốc bắt đầu đi theo con đường kinh tế thị trường, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi dân số Trung Quốc ngày càng bị đô thị hóa và trở nên giàu có, các nhà lãnh đạo có lẽ sẽ phải đối mặt với những kỳ vọng và nhu cầu được hưởng các dịch vụ tốt hơn sẽ ngày càng gia tăng.

Bất kỳ thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội nào cũng đều trải qua cảm giác tiếc nuối và nhẹ nhõm khi ngọn đuốc Olympic được dập tắt, và Bắc Kinh có lẽ cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Các vấn đề chủ chốt sẽ cần được quan tâm hơn. Bầu trời hơi trong xanh trong thời gian diễn ra Olympic chỉ có được bằng cách hạn chế không cho 2 triệu phương tiện lưu thông trên đường phố Bắc Kinh và lệnh buộc đóng cửa tạm thời nhiều nhà máy xung quanh khu vực. Tình trạng ô nhiễm không khí tại nơi được xem là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới sẽ quay trở lại khi việc hạn chế được dỡ bỏ sau khi bế mạc Paralympics vào cuối tháng 9.

"Bắc Kinh sẽ quay trở lại với mây mù, đầy khói bụi", Shen, giáo sư Đại học Fudan nhận xét. Giáo sư Shen cho rằng Olympic sẽ góp phần nâng cao sự kỳ vọng của công chúng. Ông cũng cho rằng cư dân Bắc Kinh, những người đã được tận hưởng thời tiết dễ chịu trong thời gian diễn ra Olympic, sẽ yêu cầu các quan chức thành phố tìm biện pháp để giữ không khí trong lành hơn.

Cũng theo Giáo sư Shen, Olympic sẽ giúp Trung Quốc tự tin hơn và góp phần "làm cho Trung Quốc trở thành một quốc gia bình thường hơn”. Nhưng ông cũng đồng thời cho rằng Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và không nên cố che giấu hoặc giả vờ là các vấn đề đó không tồn tại. "Cùng với việc ngày càng trở nên giàu có, Trung Quốc đang tiến vào 1 kỷ nguyên cần thiết phải trở nên minh bạch hơn, quản trị tốt và có trách nhiệm giải trình nhiều hơn", Giáo sư Shen nói. "Olympic này là một sự khởi đầu tốt đẹp để chúng ta suy nghĩ Trung Quốc mạnh ra sao - và chúng ta yếu ở đâu”.

Quỳnh Đan (Theo IHT)

;
.
.
.
.
.