Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót Iran phải ngừng mở rộng chương trình làm giàu uranium hoặc đối mặt với một lệnh cấm vận mới của LHQ. Tuy nhiên, hôm qua (31-7) Tehran vẫn chưa có dấu hiệu sẽ xuống thang khi nước này một lần nữa từ chối bất kỳ thời hạn nào mà các cường quốc đưa ra nhằm tìm kiếm một giải pháp trong cuộc khủng hoảng chương trình hạt nhân của quốc gia hồi giáo này.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatolla Ali Khamenei tuyên bố: “Iran sẽ không từ bỏ các hoạt động hạt nhân, kể cả việc làm giàu uranium”. |
Lãnh đạo tối cao Ayatolla Ali Khamenei nói rằng, Iran ngừng làm giàu uranium sẽ chỉ có lợi cho 6 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức. “Iran sẽ không từ bỏ các hoạt động hạt nhân, kể cả việc làm giàu uranium”. Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki cho biết: “Iran lắng nghe và sẽ đáp lại quốc tế bằng các đề xuất của riêng mình.
Trong đó, sẽ có thêm các cuộc đàm phán được thiết lập, với sự tham gia của các bên liên quan”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng không nên đưa ra các thời hạn chót cho các đề xuất, cách mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn hay làm khi đề cập tới vấn đề hạt nhân Iran. Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Iran trong bài phát biểu tại Hội nghị Phong trào không liên kết cũng có nói rằng trật tự thế giới hiện nay đã không còn giá trị và cần được thay đổi mạnh mẽ. Theo ông, để giải quyết những thách thức và các vấn đề của thế giới cần phải có sự hợp tác toàn cầu.
Hơn 100 quốc gia không liên kết hôm 30-7 đã ủng hộ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình của Iran - sự ủng hộ mà Tehran đã tìm kiếm khi nước này từ chối yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ ngừng chương trình làm giàu uranium. Quyết định trên được đưa ra khi lãnh đạo tối cao Iran Ayatolla Ali Khamenei cam kết tiếp tục tiến hành chương trình hạt nhân của nước này.
Các quan chức cấp cao Iran đã mô tả sự ủng hộ của Phong trào Không liên kết đối với Iran đã làm xì hơi những luận điệu của Mỹ và các đồng minh rằng hầu hết cộng đồng quốc tế muốn Iran ngừng làm giàu uranium. Ali Ashgar Soltanieh, đại diện của Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nói rằng, sự ủng hộ của 115 quốc gia tham dự hội nghị của Phong trào Không liên kết tại Tehran đã gửi đi một “thông điệp mạnh mẽ rằng cách duy nhất giải quyết bế tắc hạt nhân hiện nay là đàm phán và đối thoại”. Sự ủng hộ nói trên được thể hiện trong một tuyên bố dài ba trang. Tuyên bố này nói rằng, hội nghị “tái khẳng định các quyền cơ bản và không thể xâm phạm của mọi quốc gia trong việc phát triển, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng nguyên tử vào các mục đích hòa bình”.
Ngược lại, dù vẫn hoài nghi song Mỹ dường như đã tính tới cách tiếp cận khác trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran theo hướng ít tổn thất nhất. Khả năng hợp tác cũng được thúc đẩy từ nhiều hướng khác, trong đó có cả ứng viên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Phát biểu tại Pháp cuối tuần trước, ông Obama cho rằng, Iran nên chủ động đàm phán chứ không nên chờ tới khi nước Mỹ có Tổng thống mới.
Theo Thời báo Los Angeles, quan chức Chính phủ Mỹ đã khẳng định với Israel rằng, việc chọn lựa tấn công Iran chung quanh chương trình hạt nhân vẫn đang được xem xét. Trước đó, Israel đã tỏ ra quan ngại khi nhận thấy Washington có xu thế “nhẹ nhàng” hơn với Tehran. Trong một cuộc phỏng vấn, thư ký báo chí Lầu Năm Góc Geoff Morrell cho biết, quan chức Mỹ muốn Israel hiểu rõ rằng, Washington mong muốn làm giảm mối đe dọa từ Tehran bằng áp lực kinh tế. Ông nói: “Chọn lựa quân sự, mặc dù luôn sẵn sàng, nhưng không phải con đường chúng tôi ưu tiên”.
ĐOÀN LƯƠNG