.

Chiến tranh Lạnh hay hòa bình Nóng?

.

Cơn địa chấn chính trị thực sự đã diễn ra sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia trong tuần qua. Động thái này một lần nữa tỏ rõ lập trường của Nga trong việc đặt lợi ích của mình tại vùng Caucasus lên hàng đầu, đẩy quan hệ Nga, Mỹ và các nước phương Tây lên những nấc thang căng thẳng mới mà bản chất là một cuộc xung đột về lợi ích địa chính trị.

Tổng thống Nga tuyên bố: “Nga không sợ bất cứ điều gì, kể cả viễn cảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh dù không muốn nó xảy ra”.

Gruzia có vị trí kinh tế, ngoại giao, chính trị quan trọng đối với Mỹ, NATO và Nga bởi nước này là cửa ngõ của châu Âu và châu Á, có trữ lượng dầu mỏ lớn chỉ đứng sau khu vực Trung Đông. Hơn nữa, tại Abkhazia và Nam Ossetia hơn quá nửa dân số là người Nga. Cuộc xung đột tại khu vực này đã đặt thế giới trong một câu hỏi lớn:
 
Liệu thế giới sẽ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh hay hòa bình Nóng? Tổng thống Nga tuyên bố: “Nga không sợ bất cứ điều gì, kể cả viễn cảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh dù không muốn nó xảy ra. Trong tình hình hiện nay, mọi thứ còn phụ thuộc vào lập trường các đối tác của chúng tôi. Sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố, nước này sẽ bảo vệ Abkhazia và Nam Ossetia với mọi nỗ lực cần thiết nếu hai quốc gia mới này bị tấn công. Theo Tổng thống Medvedev, Nga có nghĩa vụ phải hành động vì Gruzia tàn sát người ly khai. Và rằng, Moscow cảm thấy có nghĩa vụ phải công nhận Nam Ossetia lẫn Abkhazia như các nước khác từng làm với Kosovo hồi đầu năm nay.
 
Mặc dù giới lãnh đạo phương Tây lên án mạnh mẽ nhưng Nga tuyên bố đó là việc làm phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Medvedev đồng thời cho biết, dù Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia thì nước này cũng không có ý định can thiệp vào các cuộc xung đột khác tại một số vùng lãnh thổ hậu Xô viết. Phái viên Dmitry Rogozin cho hay: “Do lãnh đạo NATO phớt lờ tầm quan trọng của Nga trong việc gìn giữ hòa bình tại khu vực Caucasus và Nam Ossetia nên chúng tôi thấy rằng cần thiết phải dừng mọi hoạt động gìn giữ hòa bình giữa Nga và NATO trong ít nhất 6 tháng”.

Hiện nay, Gruzia đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Nga, làm gia tăng sự đối đầu giữa hai nước láng giềng đúng vào thời điểm Moscow đang phản kích làn sóng chỉ trích của phương Tây. Tbilisi cũng tuyên bố chính thức rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với vùng ly khai Abkhazia được ký kết tại Moscow năm 1994 mà Liên Hợp Quốc phê chuẩn. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigol Vashadze cho biết: “Trong những tình huống như thế này, các nhà ngoại giao Nga sẽ phải rời khỏi Gruzia. Hai bên sẽ chỉ duy trì các quan hệ ở cấp lãnh sự”.  Trong khi đó, đại diện Mỹ cho biết, nước này không lấy làm ngạc nhiên trước diễn biến mới trên sau 3 tuần căng thẳng vừa qua.

Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình “Nước Nga ngày nay”, Tổng thống Medvedev cho biết, quan hệ giữa Nga và phương Tây đã tổn hại và ông không loại trừ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể xảy ra, dù Nga không mong muốn. Dường như Nga đã sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra. Dầu vậy, trật tự thế giới hiện nay đã thay đổi từ thế giới đơn cực chuyển sang thế giới đa cực. Lợi ích của một quốc gia gắn liền với lợi ích của cộng đồng thế giới và ngược lại.

Và tất nhiên, Nga cũng hiểu rõ rằng mình đang đứng ở vị trí nào trên vũ đài chính trị thế giới bởi có nhiều vấn đề hiện nay cần giải quyết mà không thể thiếu Nga, đó là hòa bình Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và chương trình hạt nhân Iran... Chính những lý do này mà phương Tây khó lòng đưa ra những lệnh trừng phạt đối với Nga và bất cứ quyết định cắt đứt quan hệ nào với Nga cũng sẽ gây ra những bất lợi cho cả hai phía. Như vậy, khả năng một cuộc Chiến tranh Lạnh khó có thể xảy ra, nhưng thay vào đó là “hòa bình nóng”, nghĩa là các bên sẽ còn phải đối đầu mà không đối địch.            

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.