.

Fukuda chuyển giao quyền lực cho Aso

.

Thủ tướng Yasuo Fukuda và nội các của ông hôm 24-9 đã đệ đơn từ chức để mở đường cho cựu Ngoại trưởng Taro Aso trở thành Thủ tướng thứ 3 của Nhật Bản kể từ năm 2006.

Niềm vui chiến thắng của ông Taro Aso sau khi được Hạ viện bầu làm tân Thủ tướng Nhật Bản hôm 24-9.

ông Aso, đắc cử chức Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) hồi đầu tuần này, vừa được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Nhật vào cuối ngày 24-9, sau khi giành được 337 phiếu bầu nhờ LDP đang kiểm soát Hạ viện - cơ quan quyền lực tại Nhật. Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập Ichiro Ozawa chỉ giành được 117 phiếu. Tân Thủ tướng Aso dự kiến sẽ có chuyến bay tới New York vào ngày hôm nay (25-9) để tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ.

Ông Aso sẽ là Thủ tướng thứ 3 của Nhật trong vòng hai năm, hai người tiền nhiệm của ông buộc phải ra đi do đối mặt với sự bế tắc ở Quốc hội. Ông Aso, 68 tuổi, và Nội các sẽ nhậm chức trong hoàn cảnh nước Nhật đang có nhiều bất ổn. Tân Thủ tướng được thừa hưởng một Chính phủ vốn bị tàn phá vì các vụ bê bối, bị chia rẽ về cách đối phó với những bất ổn kinh tế ngày càng tăng. Khi nhậm chức, ông Aso sẽ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và chính trị. Vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự của tân Thủ tướng là quyết định có tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn hay không. Việc này nhằm chứng tỏ rằng LDP - vốn nắm quyền gần như suốt 53 năm qua, vẫn được công chúng ủy thác điều hành đất nước.

 

Tân Thủ tướng Taro Aso là con trai chủ sở hữu Công ty khai mỏ Aso Cement và là cháu ngoại của cố Thủ tướng Shigeru Yoshida, con rể cựu Thủ tướng Zenko Suzuki. Taro Aso bắt đầu sự nghiệp chính trị vào tháng 11-1979 khi được bầu vào Nghị viện Nhật Bản.

Sau đó ông đã tái cử 8 lần và trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong nội các Nhật Bản như: Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1988); Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bưu điện - Truyền thông (2003); Bộ trưởng Ngoại giao (2005)…

 
Một cuộc bầu cử như trên sẽ là một canh bạc lớn đối với LDP vì đảng này hiện đang bị nhiều chỉ trích do quản lý quỹ lương hưu không hiệu quả và có tỷ lệ ủng hộ sụt giảm. Trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã chững lại và lạm phát tăng cao, cùng với những tác động tiêu cực của kinh tế Mỹ... sẽ khiến nội các mới đau đầu. Các nhà kinh tế cho rằng, ưu tiên của ông Aso về cắt giảm chi phí và thuế có thể tạo ra một động lực ngắn hạn cho nền kinh tế đang bị trì trệ, nhưng việc đề ra các kế hoạch dài hạn còn quan trọng hơn. Nó giúp cho Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn, cải tổ được hệ thống phúc lợi xã hội yếu kém và tăng thuế tiêu dùng để bù đắp chi phí ngày càng gia tăng cho dân số ngày càng bị lão hóa.

Tân Thủ tướng Taro Aso là người có lập trường chính trị bảo thủ, cứng rắn, đặc biệt gay gắt trong vấn đề CHDCND Triều Tiên và phản đối việc sửa đổi luật cho phép nữ giới thừa kế ngai vàng. Ông Aso còn là một người khá lịch lãm, có nhiều phát biểu gây tranh cãi, tương đối có uy tín với dân chúng Nhật Bản và say mê truyện tranh manga. Trước khi đắc cử Thủ tướng, ông Taro Aso đã cam kết đẩy mạnh ngân sách chi tiêu để cứu vãn nền kinh tế đang xuống dốc của Nhật Bản.

Phát biểu sau khi kết quả bầu cử Chủ tịch Đảng LDP được công bố, ông Taro Aso tuyên bố: “Tôi sẽ không làm người dân Nhật Bản thất vọng và quyết tâm nỗ lực hành động cùng với những thành viên khác trong Đảng LDP”.             

GIA HUY

;
.
.
.
.
.