Quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda trong tuần qua đã gây nên một cú sốc lớn trên chính trường Nhật Bản. Chỉ mới lên cầm quyền vào tháng 9-2007, ông Fukuda là vị Thủ tướng tiếp theo sau cựu Thủ tướng Abe rời nhiệm sở chưa đầy một năm cầm quyền, đẩy chính trường Nhật Bản rơi vào rối loạn giữa lúc liên minh cầm quyền có dấu hiệu rạn nứt.
Và người ta cũng lo ngại rằng sự ra đi của một nhà lãnh đạo có đường lối ôn hòa sẽ có tác động như thế nào đối với quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Bắc Á.
Thủ tướng Fukuda cho rằng, ông từ chức là để “ai đó đảm nhận công việc này tốt hơn thay tôi”. |
Trong khi đó, quan hệ Nhật-Hàn cũng không ngừng được cải thiện nhờ một loạt các cuộc đối thoại song phương, đàm phán mậu dịch tự do song phương. Tuy nhiên, sự ra đi bất ngờ của Thủ tướng Fukuda làm người ta lo ngại rằng, nếu người kế nhiệm tiềm năng Taro Aso lên nắm quyền sẽ có tác động không nhỏ đến các mối quan hệ trên, bởi điều khác biệt cơ bản giữa ông Fukuda và ông Taro Aso là nằm ở chính sách đối ngoại. Ông Aso theo đuổi đường lối chính sách cứng rắn hơn so với những người tiền nhiệm.
Chính trị ở Nhật Bản là một cuộc chơi ổn định. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) là một lực lượng thống trị trong đời sống chính trị tại đất nước mặt trời mọc này. Tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng, sự thay đổi cơ cấu cần thiết ở Nhật Bản diễn ra chậm, nhưng ở đó những người lãnh đạo mạnh mẽ vẫn “có đất dụng võ” khi đất nước gặp vấn đề. Đơn cử, cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn từ công chúng khi ông tiến hành các biện pháp cải cách kinh tế to lớn.
Trên thực tế, các chính sách cải cách của ông Koizumi cũng đã gây nên những vấn đề khó khăn hiện nay của ông Fukuda. LDP năm ngoái đã thua ở Thượng viện, buộc phải từ bỏ công cuộc cải tổ. LDP yếu đi, đồng nghĩa với việc chính đảng này không thể thông qua bất kỳ luật quan trọng nào. Fukuda là nạn nhân của những tranh chấp mang tính phe phái trong nội bộ đảng, chủ yếu cũng xuất phát từ tình trạng mất dần sự ủng hộ của công chúng. Giờ đây, khi kinh tế giảm sút, giá cả gia tăng… ông Fukuda không thể giành được sự ủng hộ của công chúng trong cuộc bầu cử vào năm tới. Một cuộc cải tổ nội các là không đủ, và Thủ tướng phải từ chức để giúp LDP tránh được thất bại trước Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).
Được đánh giá là nhân vật khá nổi tiếng với sự lôi cuốn và quan điểm bảo thủ hơn nhiều so với Thủ tướng Fukuda, cựu Ngoại trưởng Taro Aso tuyên bố “mình đủ năng lực để tiếp quản chương trình nghị sự của ông Fukuda”. Cựu Ngoại trưởng này thiên về đường lối cứng rắn trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên và phản đối việc sửa đổi luật cho phép phụ nữ lên ngôi Nhật hoàng.
Ông nổi tiếng là người có quan điểm diều hâu mặc dầu ông đã tự “làm nhẹ” hình ảnh của mình trong mấy năm gần đây bằng cách nhấn mạnh sở thích đọc truyện tranh và yêu văn hóa bình dân. Lên làm Tổng Thư ký LDP năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Aso được cho là sẽ sớm chính thức thông báo ra ứng cử và đưa ra các cam kết bầu cử, trong đó có các biện pháp kích thích nhằm khôi phục kinh tế.
Tuy nhiên, cho dù Thủ tướng mới là ai đi nữa thì họ cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự như ông Fukuda trước tình hình bế tắc tại quốc hội cùng với bộ máy chính trị già cỗi và dính quá nhiều bê bối của đảng cầm quyền.
Quyết định từ chức của Thủ tướng Yasuo Fukuda đã gặp phải chỉ trích gay gắt từ đảng Dân chủ (DPJ) đối lập là “vô trách nhiệm”, nhưng hiện nay nước Nhật đang cần một đội ngũ mới để thực thi các chính sách. Và theo như lời của ông Fukuda, sự ra đi của ông là để “ai đó đảm nhận công việc này tốt hơn thay tôi”.
ĐOÀN LƯƠNG