(ĐNĐT) - Các nhà lập pháp Mỹ đã bác bỏ kế hoạch giải cứu nền tài chính trị giá 700 tỷ USD trong một phiên bỏ phiếu gây “sốc” cho chính phủ Mỹ, Phố Wall và các thị trường toàn cầu, tại Hạ viện hôm qua (29-9). Ngay lập tức, các thị trường tài chính trượt dốc, trong khi chính phủ các nước châu Âu đang ra sức chèo chống cho hàng loạt ngân hàng đang khốn đốn.
Gói giải cứu được sự ủng hộ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở cả hai viện, cũng như của Tổng thống Bush, đã bị "hạ gục" hoàn toàn tại Hạ viện với tỷ số phiếu 228/205. Khoảng 60% các thành viên đảng Dân chủ và 1/3 đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ cho dự luật. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vốn đã chỉ trích việc tiêu tốn quá nhiều tiền đóng thuế của người dân ngay trước thềm bầu cử ngày 4-11 tới.
Sau phiên bỏ phiếu, Tổng thống Bush bày tỏ sự “thất vọng” vì Hạ viện đã không thông qua dự luật này, nhưng ông cho biết vẫn phải tiếp tục giải quyết tình trạng kinh tế hiện nay. Trong khi đó, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lại quay sang đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của gói giải cứu. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, John Boehner, nói rằng sẽ không có phiên tái bỏ phiếu cho dự luật vào hôm qua bởi các thành viên đã rời khỏi đồi Capitol.
Chỉ số Dow Jones giảm 777,68 điểm, mức sụt điểm lớn nhất từ trước đến nay, sau khi Hạ viện bác gói cứu trợ 700 tỷ USD. Ảnh: The Wall Street Journal |
"Đạo luật đã không được thông qua, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn còn ở lại với chúng ta", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu trong một buổi họp báo sau khi công bố kết quả bỏ phiếu. "Những gì đã diễn ra hôm nay thật không thể chịu đựng được".
1.200 tỷ USD "biến mất"
Ngay lập tức, thị trường cổ phiếu hôm qua tụt dốc không phanh sau khi các nhà lập pháp Mỹ bất thình lình xoay chuyển tình thế, làm “kinh sợ” các nhà đầu tư vốn đã hết sức lo ngại về tương lai của các thị trường toàn cầu và nền kinh tế Mỹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 777,68 điểm, tương đương 6,98%, xuống còn 10.365,45 điểm. Đây là mức sụt điểm lớn nhất trong lịch sử, vượt qua mức mất điểm 684,81 vào ngày 17-9-2001, ngày giao dịch đầu tiên sau vụ khủng bố 11-9.
Sự mất điểm của Dow Jones trong ngày đã hạ nốc ao xấp xỉ 1.200 tỷ USD giá trị thị trường. Chỉ số Standard & Poor"s 500 cũng trải qua ngày tội tệ nhất trong 21 năm, rơi tự do 106,59 điểm (8,79%) xuống còn 1.106,42. Chỉ số Hỗn hợp Nasdaq mất 199,61 điểm (9,14%) xuống mức 1.983,73.
Giá dầu thô giảm, vàng tăng
Trong khi đó, các nhà đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản được cho là nơi trú ẩn an toàn. Giá vàng và trái phiếu chính phủ được dịp tăng lên; còn giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 10,52 USD, tương đương 8,9%, xuống còn 96,37 USD trên thị trường New York Mercantile Exchange, với tiên liệu rằng nhu cầu trên thế giới sẽ thu hẹp lại do cuộc khủng hoảng tài chính kìm hãm các hoạt động kinh tế.
“Thị trường vàng đang nói lên rằng nền kinh tế thế giới đang gặp nguy hiểm”, Jeffrey Nichols, giám đốc điều hành tại American Precious Metals Advisors cho hay.
Chứng khoán châu Á, châu Âu bất ổn
Chỉ số Nikkei đóng cửa với mức giảm 4,12% sau khi gói giải cứu bị bác bỏ. Ảnh: AP |
Cổ phiếu ở châu Âu mở cửa với mức sụt điểm đáng kể trong khi nhiều thị trường châu Á hạ điểm ở gần cuối ngày giao dịch. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa với mức giảm 4,12%, trong khi thị trường chứng khoán Úc rơi 4,32%. Chứng khoán ở Hong Kong giảm 1,4%; ở Seoul, Hàn Quốc giảm 0,72%.
Ngân hàng Bank of Japan hôm nay lại tiếp tục bơm thêm 2.000 tỷ yen (19,23 tỷ USD) vào các thị trường tiền tệ, trong nỗ lực chung của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhằm xoa dịu nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng.
Cổ phiếu ngân hàng là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất ở London và châu Âu, bởi những lo ngại rằng hệ thống tài chính sẽ bị quật ngã do sự chậm trễ trong việc triển khai gói giải cứu tài chính ở Mỹ. Tại London, chỉ số FTSE 100 ban đầu sụt giảm 2,3% xuống còn 4705,5 , sau đó nhích lên 4765. Ngân hàng HBOS mất 12%, Royal Bank of Scotland hạ 6,1%, và Lloyds TSB hạ 9%. Ngân hàng Italy"s UniCredit giảm 7,7% còn ngân hàng Deutsche Bank của Đức hạ 4%. Trong khi đó, hai thị trường chứng khoán chủ chốt ở Nga đã tạm ngừng giao dịch trong sáng hôm nay sau khi giá cổ phiếu trượt dốc, hãng Interfax đưa tin.
Trong khi đó, ngân hàng Dexia hôm nay đã trở thành ngân hàng thứ hai của Bỉ nhận được cứu trợ trong tuần này từ chính phủ và các cổ đông sau khi Bỉ, Pháp, và Luxembourg tuyên bố sẽ bơm gần 6,4 tỷ Euro (9,2 tỷ USD) để giữ cho tập đoàn này khỏi chìm xuồng.
Chính phủ Bỉ cho biết, Bỉ và các cổ đông của nước này sẽ đầu tư 3 tỷ Euro, chính phủ Pháp bỏ ra 1 tỷ Euro, và ngân hàng quốc gia của Pháp, Caisse des Depots, chi ra 2 tỷ Euro. Chính phủ Luxembourg cũng sẽ góp vào 376 triệu Euro.
Nhật Lê - Q. Đan (Theo CNNMoney, Reuters, AP)
TIN LIÊN QUAN:
>>> Mỹ công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính
>>> Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch giải cứu tài chính
>>> Tổng thống Bush: Toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang gặp nguy hiểm
>>> FBI điều tra các đại gia tài chính Mỹ
>>> Thêm những bất an cho Phố Wall: cổ phiếu giảm, giá dầu tăng vọt
>>> Giải cứu thị trường tài chính
>>> Mỹ tuyên bố kế hoạch giải cứu, Phố Wall phục hồi
>>> Lại một đêm ác mộng của Phố Wall
>>> Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu
>>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo