.
Khủng hoảng quan hệ Mỹ - Nam Mỹ:

Cuộc giằng co về một trật tự thế giới mới

.

Trong tuần qua, mối quan hệ vốn chưa bao giờ êm thấm giữa Mỹ và một số nước ở khu vực Mỹ La-tinh đã biến thành một cuộc chiến ngoại giao, mà bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Bolivia. Sóng gió tại sân sau của Mỹ đã thực sự nổi lên khi Tổng thống Bolivia và Venezuela trục xuất các đại sứ Mỹ tại hai nước này và Mỹ cũng đã đáp trả bằng hành động tương tự.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải) sát cánh cùng Tổng thống Bolivia Evo Morales chống Mỹ.

Vào ngày 10-9, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã trục xuất Đại sứ Mỹ Philip Goldberg tại nước mình. Tổng thống Morales cho rằng, Đại sứ Goldberg đã tham gia kích động làn sóng biểu tình và bạo động chống chính phủ ở Bolivia trong những ngày gần đây. Tổng thống Morales  gọi đó là hành động “phá hoại nền dân chủ” và “kích động chia rẽ” tại Bolivia.

Quyết định của Tổng thống Morales được đưa ra vài giờ sau khi Chính phủ Bolivia cho hay, những kẻ phá hoại đã làm nổ tung đường ống dẫn khí đốt trong nước, khiến La Paz phải cắt giảm 10% lượng khí đốt xuất khẩu sang Brazil. Ngay sau đó, Mỹ cũng trục xuất Đại sứ Bolivia tại Washington, ông Gustavo Guzman.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack nói, quyết định trên được đưa ra “nhằm đáp trả những hành động tùy tiện” và việc làm của Mỹ là “phù hợp với Công ước Vienna” về nghi thức ngoại giao. Tuy nhiên, Bolivia đã không cô độc nhờ xu hướng liên kết tại châu Mỹ, điều này đã thể hiện rõ tại một cuộc họp của các quốc gia Nam Mỹ khi các nước châu Mỹ Latinh đã tỏ rõ thái độ ủng hộ Bolivia.

Để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Bolivia, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố trục xuất Đại sứ Patrick Dudy và ngoại giao đoàn của Mỹ. Theo ông Chavez, Mỹ đang tìm cách phá hoại chính phủ của ông “tương tự như những gì họ đã làm ở Bolivia”. Động thái mạnh mẽ trên của Tổng thống Chavez đẩy mối quan hệ với Washington thêm một nấc tồi tệ mới, và làm dấy lên lo ngại, liệu xung đột về ngoại giao có ảnh hưởng đến thương mại giữa hai nước.
 
Bởi Venezuela hiện là nhà cung cấp dầu lửa chính của Mỹ, và Mỹ là khách hàng số 1 của Venezuela. Venezuela cũng đã đe dọa sẽ ngừng bán dầu cho Mỹ “nếu có hành động khiêu khích nhằm vào Venezuela”. Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela cùng với một số nước thiên tả tại Caribe và Nam Mỹ đã âm ỉ từ lâu, nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy dường như Mỹ thực sự đang dần “mất sân” tại khu vực nằm bên hông của mình.

Trong 10 năm trở lại đây, công nhân, phụ nữ, người bản xứ cùng các tầng lớp lao động trong xã hội ở Mỹ Latinh, bằng lá phiếu, đã đưa các đại diện của mình lên cầm quyền tại nhiều quốc gia. Nhóm thiên tả nòng cốt, còn gọi là cánh tả mới, gồm Venezuela, Ecuado, Bolivia, Nicaragoa, với chính quyền Chavez của Venezuela là ngọn cờ đầu, đang tạo ra một cục diện mới ở Tây Bán Cầu.

Với một loạt nhân vật cánh tả trở thành lãnh đạo quốc gia tại các nước Nam Mỹ, việc duy trì ảnh hưởng của Washington đối với khu vực này đang trở thành một bài toán nan giải. Điều này càng trở nên bức thiết hơn khi Nga, sau khi đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng “hậu Liên Xô”, đang tìm cách gây ảnh hưởng trở lại tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó việc bắt tay với Venezuela có thể xem là một điểm nhấn.

Tính chất của vấn đề hiện đã trở nên hệ trọng hơn trong bối cảnh Nga đã điều máy bay ném bom chiến lược và tàu chiến tới Venezuela để tập trận. Bước đi của Nga cùng với việc Venezuela sắm khá nhiều vũ khí trước đó khiến ông Chavez tự tin hơn trong thế đối đầu với Mỹ. Ngoài mối quan hệ đồng minh chiến lược với Nga, Venezuela cũng ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Venezuela, Bolivia cũng được đẩy mạnh. Venezuela và Bolivia đã trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tăng cường hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng tại hai nước này. Hiện nền kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái do nước này bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan, khủng hoảng tài chính lan rộng, cùng với toàn cầu hóa và xu thế đa dạng hóa quan hệ quốc tế làm giảm sự phụ thuộc của Nam Mỹ vào thị trường Bắc Mỹ. Điều này chứng tỏ, cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ-Nam Mỹ thực sự là một sự giằng co về một trật tự thế giới mới, mà Mỹ đang mất dần thế độc tôn trên chính trường thế giới. 
                                    
ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.