.

Khủng hoảng tài chính và cuộc đua vào Nhà Trắng

.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã gây đau đầu cho giới chức nước này trước sự trông chờ của các doanh nghiệp cũng như sự theo dõi của thế giới, song cũng là dịp để các nhân vật chủ chốt của chính quyền Mỹ thể hiện vai trò của mình, cũng như tạo điều kiện cho các ứng cử viên Tổng thống đưa ra các biện pháp giải cứu nền kinh tế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ”

Obama và McCain đang bám đuổi sát nhau.

Trong mấy ngày trở lại đây, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại do những biện pháp cấp bách của Chính phủ Mỹ, mà bộ tứ năng nổ thực hiện là Tổng thống George W. Bush, Chủ tịch FED Ben Bernanke, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Christopher Cox. Bộ tứ này đã đưa ra kế hoạch bơm tiền để mua lại một số tài sản và các khoản nợ xấu từ các ngân hàng và tổ chức tài chính, đồng thời tạm thời cho ngưng các hoạt động bán khống cổ phiếu để ngăn chặn đà rớt giá. Trước đó, FED và một loạt các ngân hàng trung ương châu Âu, Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Canada đã phối hợp bơm 180 tỷ USD làm giảm sức ép lên các thị trường tài chính, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu...

Tổng thống Mỹ George W. Bush đã yêu cầu quốc hội thông qua việc can thiệp mạnh tay hơn của chính phủ liên bang vào thị trường tài chính Mỹ mà ông gọi đó là sự bảo đảm và cần thiết, để làm dịu cuộc khủng hoảng tài chính được coi là tồi tệ nhất nước này trong nhiều thập kỷ qua. Ông Bush tuyên bố: “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Nền kinh tế Mỹ đang đương đầu với những thách thức vô cùng to lớn. Và chúng ta đang phải đối phó bằng những biện pháp đặc biệt”.

Ông Bush nhấn mạnh, chính sự khủng hoảng trên thị trường cho vay thế chấp đã lan sang thị trường tài chính của nước này và “làm xói mòn lòng tin các nhà đầu tư, tê liệt các giao dịch tài chính bao gồm cả những khoản vay dành cho người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng kinh doanh và tạo việc làm. Chính vì vậy, chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ nền kinh tế. Giờ không phải lúc để tranh luận về nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này”.

Ông Bush cũng trấn an người dân Mỹ rằng, chính quyền nước này sẽ vẫn tiếp tục duy trì các điều luật nhằm bảo vệ số tiền gửi và tài khoản tiết kiệm của họ tại ngân hàng.

Obama đối phó khủng hoảng tài chính tốt hơn McCain?

Cuộc khủng hoảng tài chính đã chi phối chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng viên Tổng thống Obama và McCain suốt một tuần vừa qua. Cả Obama và McCain đều cố gắng thể hiện khả năng lãnh đạo và đề ra những nguyên tắc mà họ tin là có thể chỉ đạo quá trình giải quyết khủng hoảng dù về cơ bản, hai ông đã bị gạt ra bên lề khi nhà chức trách đang thương thảo về kế hoạch giải cứu nền kinh tế.


Tại một cuộc mít-tinh vận động tranh cử ở Wisconsin, Obama tuyên bố ông sẽ tập trung ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác bằng cách thúc đẩy những biện pháp nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các nhà vận động hành lang, hợp lý hóa và tăng cường sức mạnh các cơ quan điều phối, chấm dứt các hợp đồng không đấu thầu của Chính phủ cũng như làm cho Chính phủ công khai và minh bạch hơn. Trước đám đông khoảng 6.000 người tại Vịnh Xanh, ông Obama khẳng định: “Dù cuối cùng chúng ta quyết định chọn giải pháp nào trong tuần này thì nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay là chúng ta phải hành động ngay lập tức nhằm cải tổ nền chính trị kiệt quệ và chính phủ suy yếu, vốn đã làm nảy sinh khủng hoảng”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh đến một đề án mà ông đưa ra hồi tuần trước, có nội dung kêu gọi thành lập một ủy ban lưỡng đảng, độc lập để giám sát kế hoạch giải cứu Phố Wall của chính phủ với tổng chi phí có thể lên tới 1.000 tỷ USD. Theo ông McCain, ủy ban sẽ đề ra những tiêu chuẩn đối với các công ty, tổ chức tài chính được nhận sự hỗ trợ của chính phủ.

Thượng nghị sĩ bang Arizona cũng đề nghị bổ nhiệm tỷ phú Warren Buffet - một người ủng hộ Obama, cũng như cựu đối thủ Cộng hòa Mitt Romney và Thị trưởng New York Michael Bloomberg làm thành viên của ủy ban này. McCain quả quyết, đề án của ông sẽ giữ cho mọi người không bị tước mất nhà cửa trong khi vẫn bảo vệ được các thị trường vốn. Ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa cũng chỉ trích đối thủ Obama vì không thể công bố những đề xuất của riêng mình.

Trong khi phe của McCain khắc họa hình ảnh Obama như một sản phẩm của cỗ máy chính trị tham nhũng của Chicago thì phe Obama phản pháo bằng cáo buộc rằng kế hoạch chăm sóc y tế của McCain sẽ bãi bỏ các quy định của lĩnh vực này theo cách đã đẩy ngành ngân hàng vào rối loạn. Các cuộc thăm dò dư luận trong tuần vừa qua cho thấy uy tín của Obama đang tăng lên một cách vững chắc.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, kinh tế vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong mùa bầu cử năm nay. Theo kết quả của hầu hết các cuộc trưng cầu dân ý, Obama và McCain đang bám đuổi nhau rất sát, dù ứng viên Đảng Dân chủ có ưu thế nhỉnh hơn chút ít trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Một cuộc thăm dò dư luận mới công bố của CNN cho biết, nhiều người dân Mỹ nghĩ rằng Obama có khả năng đối phó với khủng hoảng tài chính tốt hơn đối thủ McCain. Thượng nghị sĩ bang Illinois cũng tạm thời dẫn trước Thượng nghị sĩ bang Arizona 10 điểm về đánh giá của cử tri đối với khả năng quản lý nền kinh tế đất nước nói chung.
                           
ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.