(ĐNĐT) - Các cổ phiếu Mỹ hôm qua (17-9) đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm, giữa những rối ren tài chính vẫn đang tiếp diễn, và việc giải cứu công ty bảo hiểm khổng lồ AIG của chính phủ Mỹ không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng lòng tin trên các thị trường tài chính toàn cầu.
>>> Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu
>>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo
"Đêm thứ tư đen tối"
Phố Wall hôm qua lại chao đảo khiến nỗi lo về hệ thống tài chính tiếp tục dâng cao bất chấp việc đại gia đã được cứu thoát. Ảnh: AP |
Hôm qua quả là một ngày tồi tệ đối với hai ngân hàng đầu tư độc lập còn lại của Mỹ là Morgan Stanley và Goldman Sachs, cả hai đều trượt dốc thảm hại ở Phố Wall. Cổ phiếu của Morgan Stanley hạ 24,2% và hiện ở mức 21,75 USD trong khi cổ phiếu của ngân hàng Goldman Sachs rơi 13,9% xuống còn 114,50 USD, bởi các nhà đầu tư lo ngại liệu những ngân hàng này có thể sống sót trong bối cảnh hiện tại hay không. Hiện giờ, các nhà đầu tư đều đang thấp thỏm e ngại rằng ai sẽ là “nạn nhân” tiếp theo gặp nạn và điều đó khiến nỗi sợ hãi ngày càng tiếp diễn và lan rộng. Chỉ số S&P 500 sụt 57.20 điểm, tức 4.71% xuống 1,156.39, thấp nhất từ tháng 5-2005 và là mức sụt giảm lớn nhất từ 17-9-2001.
Mặc dù AIG đã được giải cứu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với khoản vay 85 tỷ USD nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ liệu biện pháp này có “đủ liều” hay không. Hiện cổ phiếu của đại gia bảo hiểm này đã rớt đến 45%, chỉ còn 2,05 USD/cổ phiếu tại Thị trường Chứng khoán New York. Cổ phiếu của tập đoàn tài chính Washington Mutual đóng cửa hôm qua với mức sụt giảm 14,8%, còn ngân hàng Wachovia thì tụt dốc tới 20,7%.
Nhà Trắng đã lên tiếng bênh vực cho việc chính phủ ra tay giải cứu AIG, cho rằng điều đó là nhằm ngăn chặn thiệt hại lan rộng hơn. Phát ngôn viên Dana Perino quả quyết rằng: “Nền kinh tế Mỹ có sức mạnh để có thể đối mặt với những cú sốc này”. Tuy vậy, bà cho biết, chính phủ vẫn đang lo lắng cho sự bình ổn của các công ty tài chính lớn khác, và sẽ phải tốn nhiều thời gian để vượt qua những giai đoạn đầy thách thức này.
Động thái của FED hôm 16-9 là bước tiến mới nhất trong một chuỗi các cứu trợ tài chính, một vụ phá sản ở Phố Wall, song song đó là việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới ra sức bơm tiền vào hệ thống tài chính nhằm tránh lâm vào tình thế bế tắc.
Chứng khoán châu Á "sụp đổ"
Bảng giao dịch điện tử thể hiện chiều hướng giảm xuống mức sàn tại sàn giao dịch chứng khoán Philippines ngày 18-9. Ảnh: AP |
Nhưng chịu tác động mạnh mẽ nhất từ cơn "địa chấn" Phố Wall là thị trường chứng khoán châu Á. Thị trường chứng khoán khu vực này trong ngày hôm nay (18-9) tụt dốc nhanh chóng do các nhà đầu tư quan ngại thêm nhiều công ty nữa có thể không chống đỡ nổi cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu đã buộc chính phủ phủ Mỹ phải nhảy vào can thiệp bằng cách cứu đại gia bảo hiểm AIG.
Các mốc chỉ số chứng khoán trong khu vực đã giảm sâu và tràn ngập sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt giảm nhiều nhất với 1.272,86 điểm, tương đương 7,22%, xuống còn 16,364.33 điểm - số điểm thấp thấp trong vòng 2 năm trở lại đây. Tại Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei giảm 445,67 điểm, tương đương 3,79%, xuống còn 11.304,12 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Úc giảm hơn 3,5%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 3,6% và chỉ số Thượng Hải giảm 5,8%.
“Đó là sự sụp đổ hoàn toàn về niềm tin của nhà đầu tư”, Francis Lun, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Fulbright tại Hồng Kông, nhận xét. “Sự khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang tác động đến tất cả mọi người, tất cả đang tháo chạy để bảo toàn vốn. Nếu công ty bảo hiểm lớn nhất có thể sụp đổ, sẽ không ai còn an toàn cả”.
“Lòng tin của ngành ngân hàng toàn cầu đã mất,” Brian Hunsaker, một nhà nghiên cứu châu Á của tập đoàn tài chính Fox-Pitt Kelton ở Hong Kong, nói. Mối đe doạ hiện nay là “các ngân hàng sẽ ngừng cho vay” và sẽ có những hậu quả ghê gớm đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới. Cuộc giải cứu tập đoàn AIG với giá 85 tỷ USD, thay vì làm yên lòng các nhà đầu tư châu Á, dường như lại làm dấy lên nỗi e sợ và hoang mang, các chiến lược gia nhận định, bởi động thái này đến sau khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản. Các nhà đầu tư nhận thấy rằng, nếu một tập đoàn đủ lớn, nó sẽ được cứu trợ tài chính, nhưng nếu nó nhỏ hơn, thì sẽ không có gì bảo đảm rằng nó sẽ nhận được cứu trợ.
Nhằm cứu thị trường tài chính khỏi cuộc khủng hoảng, các ngân hàng trung ương ở châu Á đã đổ khoảng 33 tỷ USD vào các thị trường tài chính trong tuần qua với nỗ lực xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư và nhằm đảm bảo nguồn cung cấp tiền sẽ không cạn kiệt. Tại Nhật Bản, ngân hàng Bank of Japan đã bơm thêm 14,4 tỷ USD để giúp bình ổn các thị trường tài chính. Úc cũng có những bước đi tương tự.
Với việc thị trường trường chứng khoán chao đảo, các nhà đầu tư đã đổ xô sang vàng và nhận định đây là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm khó khăn hiện nay. Giá vàng giao tháng 12 đã tăng 90,40 USD, tương đương 11,6%, lên 870,90 USD/ounce trong phiên giao dịch tại Thị trường vàng New York, sau khi tăng vọt 70 USD và dừng ở mức 850,50 USD trong phiên giao dịch thường kỳ.
Hôm nay (18-9), giá dầu đã tăng lên trên 97 USD/thùng tại thị trường Châu Á. Đồng USD ít có thay đổi và chỉ đổi được 104,32 yên trong khi đồng Euro tăng lên 1,4345 USD.
Nhật Lê - Quỳnh Đan (Theo Reuters, BBC, AP, IHT)