.

Một nghệ thuật mới ở Trung Quốc

.

Ít ai biết rằng những tiết mục nghệ thuật hoành tráng gây sửng sốt cho khán giả tại lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh đã có nguồn gốc từ các vở diễn ngoài trời đang nở rộ tại các điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

Vở diễn hoành tráng “Thiền Thiếu Lâm” đã diễn được một nửa, một vị sư mặc cà sa màu vàng hiện ra giữa một sân khấu lộ thiên khổng lồ tràn ngập các võ sinh tung quyền cước một cách nhịp nhàng để xua đuổi tà ma quỷ quái; động tác của họ đều tăm tắp và thuần thục, vừa biểu hiện sự phẫn nộ vừa uyển chuyển như mời mọc. Đó là một vở diễn ngoài trời quy tụ tới 500 diễn viên. Sân khấu là cả một thung lũng rộng lớn dưới chân núi Thiếu Lâm tỉnh Hà Nam – một trong những chiếc nôi của nền văn minh Trung Hoa.

Sân khấu là cả một thung lũng dưới chân núi Thiếu Lâm.
Những vở diễn công phu và hoành tráng như thế này được Chính phủ tài trợ và các nhà đầu tư tư nhân thực hiện, thường lôi cuốn một lượng khán giả khổng lồ tới những địa danh văn hóa và lịch sử nổi tiếng nhất Trung Quốc. Đây vừa là một sự kiện văn hóa, vừa là một sản phẩm du lịch, kết hợp những kỹ thuật âm thanh và ánh sáng của sân khấu hiện đại với diễn xướng dân gian.

Ở Hà Nam, chính quyền và nhà đầu tư hợp lực sử dụng cả một dãy núi, thuê nhà soạn nhạc Đàm Thuẫn (Tan Dun) và nhà biên đạo múa nổi tiếng Hoàng Đậu Đậu (Huang Dou Dou) dàn dựng cả một vở diễn khổng lồ trong đó các vai nhà sư do chính các vị sư chùa Thiếu Lâm từ trên núi xuống đảm trách. Phần âm nhạc của vở diễn thật đa dạng và gần gũi với tự nhiên, có tiếng đá lăn, tiếng gió thoảng qua rừng trúc hay tiếng đập nước của các cô thôn nữ đang giặt áo bên bờ suối.
 
Trong dự án nghệ thuật ở chân núi Thiếu Lâm, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 15 triệu đô-la Mỹ để cải tạo khoảng thung lũng thành một sân khấu lộ thiên vĩ đại, xây dựng trong đó các ngôi đền, một ngôi chùa bằng gỗ, một võ đường, một chiếc cầu cong, một dòng suối và một ngôi làng nhỏ. Một trong những niềm hy vọng của những người chủ trì dự án nghệ thuật “Thiền Thiếu Lâm” – được công diễn lần đầu vào tháng 5 năm ngoái – là phát triển du lịch ở một tỉnh có tới 100 triệu dân, nhưng bị tụt lại sau trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Trong 16 tháng qua đã có hơn 300.000 du khách thưởng thức vở diễn “Thiền Thiếu Lâm” được công diễn hằng đêm, trừ những đêm đông giá lạnh. Trong 500 diễn viên, có một phần là diễn viên chuyên nghiệp từ thành phố về, còn đa số là cư dân địa phương; ngay cả các đơn vị quân đội cũng tham gia.

Một cảnh trong vở diễn Thiền Thiếu Lâm.

Trương Nghệ Mưu, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc và là tổng đạo diễn lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, là một trong những người tiên phong mở ra thể loại biểu diễn nghệ thuật ngoài trời lấy khung cảnh thiên nhiên làm sân khấu này. Trong những vở diễn mà số diễn viên có khi lên tới cả ngàn người, khán giả sẽ bắt gặp những hình ảnh mà họ Trương quen dùng trong tác phẩm của ông như cuộn giấy hoa tiên, đèn lồng, tuồng Bắc Kinh, giàn trống cổ và đặc biệt là võ thuật; cũng như kỹ thuật sử dụng ánh sáng và màu sắc hết sức tinh tế và ấn tượng mạnh mẽ .

Nhiều năm trước, ông Trương đã hợp đồng với tỉnh Quảng Tây để thực hiện vở diễn ngoài trời đầu tiên, vở “Ấn tượng Lưu Sơn” rất đặc biệt. Sự nổi tiếng của vở diễn này, không hẳn do nội dung hoặc nghệ thuật biểu diễn mà chủ yếu do tính chất “kỳ lạ” và mới mẻ của nó: sân khấu thiên nhiên, diễn viên đông đảo và điêu luyện, đã giúp ông Trương giành được nhiều lời mời thực hiện các dự án tương tự tại các địa danh nổi tiếng như Hàng Châu và thành phố cổ Lệ Giang thuộc tỉnh Vân Nam. Bây giờ đi du lịch Trung Quốc mà không xem các vở diễn hoành tráng của họ Trương thì cũng như chưa tới Trung Quốc.

Dự án “Thiền Thiếu Lâm” tại Hà Nam do đạo diễn Mei Shuaiyuan – một cộng sự lâu năm của ông Trương Nghệ Mưu – chủ trì và được thai nghén từ năm 2004. “Thung lũng này có ngọn núi cổ nhất Trung Hoa; đây là cái nôi của Thiền tông, có chùa Thiếu Lâm, có một nền văn hóa lâu đời. Chính quyền tỉnh Hà Nam muốn tôi quảng bá những di sản đó; kết hợp Thiền với võ thuật Thiếu Lâm để thu hút du khách”, ông Mei nói.

Khán giả đội mưa xem diễn.

Ông may mắn tìm được một bức tranh phong cảnh nổi tiếng đời nhà Tống (năm 960-1279) có nhan đề “Lữ khách giữa núi và suối” và mô phỏng theo nó để xây dựng sân khấu ngoài trời. Bức tranh này cũng gây cảm hứng cho nhà soạn nhạc lừng danh Đàm Thuẫn – người viết nhạc cho bộ phim được giải Oscar “Ngọa hổ tàng long” của đạo diễn Đài Loan Lý An.

Cùng với biên đạo múa Hoàng Đậu Đậu, nhạc sĩ họ Đàm tạo ra một vở diễn pha trộn giữa nghệ thuật võ đạo với Thiền Phật giáo, âm nhạc Tây Tạng, vũ đạo và bài trí sân khấu theo kiểu tuồng cổ Trung Hoa. Việc dàn dựng vở diễn “Thiền Thiếu Lâm” còn có sự cố vấn của sư trụ trì Thiếu Lâm Tự - một ngôi chùa 1.500 tuổi – và sự tham gia của sư tăng trong chùa. Trong vở diễn dài 70 phút, khán giả được xem dân làng nhảy múa, võ sĩ giao đấu, tăng ni ngồi thiền, còn phụ nữ giặt giũ hoặc đùa nghịch với những nhạc cụ cổ.

Lúc đầu, những người sản xuất chương trình lo ngại cơ quan tuyên huấn của Nhà nước sẽ phê phán vì vở diễn nặng tính chất ngợi ca tôn giáo, nhưng sau một chuyến viếng thăm và dự khán của ông Lý Trường Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thì mọi chuyện đều có vẻ ổn thỏa. Một phần trong các dự án nghệ thuật kiểu như “Thiền Thiếu Lâm” còn được đạo diễn Trương Nghệ Mưu vận dụng vào chương trình biểu diễn khai mạc và bế mạc Thế vận hội, gây ấn tượng mạnh với khán giả năm châu.

Thái Bình

;
.
.
.
.
.