.

Mỹ công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính

.

(ĐNĐT) - Chính phủ liên bang sẽ chi ra 700 tỷ USD trong một kế hoạch có ảnh hưởng sâu rộng để giải cứu nền tài chính đang khốn đốn của Mỹ, theo một dự luật được các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Dân chủ đưa ra hôm qua (28-9). 
        

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hy vọng dự luật sẽ được Hạ viện thông qua hôm nay (29-9). Ảnh: AFP

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bày tỏ hy vọng rằng Hạ viện sẽ thông qua dự luật tại phiên bỏ phiếu vào ngày hôm nay (29-9). Thượng nghị sĩ Harry Reid, người đứng đầu phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ thì tin tưởng rằngThượng viện có thể xúc tiến điều luật này trước ngày 1-10. Bà Pelosi quả quyết rằng kế hoạch này không phải là một “cuộc giải cứu Phố Wall”, mà là một cách để bảo vệ người đóng thuế và xoay chuyển nền kinh tế, bởi nó bao gồm sự giám sát và bảo đảm chặt chẽ tiền công. Theo bà Pelosi, các điều khoản được đảng Dân chủ thêm vào sẽ bảo đảm rằng người đóng thuế không phải đóng tiền cho kế hoạch cứu trợ tài chính này.

Phần cốt lõi của dự luật dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson về quyền mua lại các tài sản xấu từ các tổ chức tài chính để các ngân hàng có thể bắt đầu cho vay trở lại và các thị trường tài chính hiện gần như đã đóng băng, có thể hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa do quan ngại về những chi phí mà những người nộp thuế phải gánh trên lưng nên đã đưa thêm vào dự luật một số điều kiện và điều khoản giới hạn để bảo vệ những người nộp thuế và tạo cho họ cơ hội được hưởng những lợi ích nếu các công ty hưởng lợi từ kế hoạch giải cứu này. “Mọi người phải được biết đây không phải sự giải cứu phố Wall, mà đây là một khoản “mua ngăn chặn” để chúng ta có thể làm nền kinh tế quốc gia chuyển biến theo hướng tích cực hơn”, bà Pelosi nói.

Tổng thống Bush, trong bài phát biểu tối qua cho biết “đây là một quyết định bỏ phiếu khó khăn, nhưng với những tiến triển đã có với dự luật, tôi tự tin rằng Quốc hội sẽ thực hiện những gì tốt nhất cho nền kinh tế quốc gia thông gia việc lập tức phê chuẩn đạo luật này”.

Các điều khoản chủ chốt của dự thảo luật:

• 700 tỷ USD sẽ được chi ra theo từng giai đoạn, với 250 tỷ USD được cấp ngay lập tức để Bộ Tài chính sử dụng, 100 tỷ USD tiếp theo nếu Nhà Trắng đề nghị, và 350 tỷ USD còn lại sẽ phải do Quốc hội thông qua.

• Cắt giảm mức bồi thường của những người điều hành tại các công ty bán tài sản thế chấp cho Bộ Tài chính. Trong số đó, các công ty được cứu trợ sẽ không được khấu trừ tiền lương trả cho những người điều hành quá 500.000 USD.
 
Các công ty không được phép ký kết những hợp đồng mới cho phép có những “khoản tiền lớn phải chi trả cho những vị lãnh đạo chủ chốt khi họ bị buộc phải thôi việc” cho 5 vị trí lãnh đạo chủ chốt nếu họ bị sa thải hoặc công ty bị phá sản. Tuy nhiên, những hợp đồng đã ký kết hiện nay với các nhà lãnh đạo chủ chốt, trong đó có thể bao gồm những “khoản tiền lớn phải chi trả cho những vị lãnh đạo chủ chốt khi họ bị buộc phải thôi việc” sẽ vẫn còn hiệu lực.

Thành lập hai ban giám sát:

Ban giám sát bình ổn tài chính sẽ có nhiệm vụ đảm bảo các chính sách được thực thi sẽ bảo vệ cho người đóng thuế và vì lợi ích kinh tế của Mỹ. Ban giám sát của Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm xem xét tình trạng của các thị trường tài chính, hệ thống quản lý, và việc Bộ Tài chính sử dụng quyền hạn của mình trong khuôn khổ kế hoạch giải cứu. 

Bộ Tài chính được quyền sở hữu các cổ phần trong các công ty được cứu trợ tùy theo các tình huống cụ thể. Tổng thống phải đề xuất một điều luật yêu cầu ngành tài chính phải bồi thường các khoản thua lỗ nếu kế hoạch giải cứu dẫn đến các khoản lỗ ròng cho người đóng thuế 5 năm sau khi kế hoạch được thực thi. Bộ Tài chính có thể thiết lập một chương trình bảo hiểm để bảo hiểm tài sản xấu của các công ty có liên quan được mua lại trước ngày 14-3-2008, bao gồm các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp.

Nếu được thực thi, kế hoạch giải cứu sẽ là sự can thiệp lớn nhất và sâu rộng nhất vào nền kinh tế của Chính phủ Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái. Mục đích của kế hoạch giải cứu là nhằm giải băng thị trường tín dụng - các khoản cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng và công ty. Điều cốt lõi của vấn đề chính là các khoản vay xấu của thị trường bất động sản đã dẫn đến việc tài sản thế chấp bị tịch biên với số lượng kỷ lục khi quả bong bóng nhà ở nổ tung và giá nhà sụt giảm.

“Chúng tôi bắt đầu một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nhiệm vụ ổn định thị trường, nhằm bảo vệ tất cả người dân Mỹ và sẽ thực hiện cách thức bảo vệ những người nộp thuế tối đa đến mức có thể”, Bộ trưởng Tài chính Paulson nhấn mạnh.

N. Na - Q.Đan (Theo CNNMoney, Reuters)

TIN LIÊN QUAN:
   >>> Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch giải cứu tài chính
    >>> Tổng thống Bush: Toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang gặp nguy hiểm        
    >>> FBI điều tra các đại gia tài chính Mỹ
    >>>
Thêm những bất an cho Phố Wall: cổ phiếu giảm, giá dầu tăng vọt 
    >>> Giải cứu thị trường tài chính
    >>> Mỹ tuyên bố kế hoạch giải cứu, Phố Wall phục hồi
    >>>
Lại một đêm ác mộng của Phố Wall
    >>> Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu
    >>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
    
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo

;
.
.
.
.
.