Phố Wall đang phải chứng kiến một cơn chấn động mạnh chưa từng có trong gần 80 năm qua với sự xóa sổ của 2 tên tuổi tài chính lừng danh trên thế giới là Lehman Brothers và Merill Lynch. Sự kiện này đang có nguy cơ làm rối loạn thị trường tài chính Mỹ và có khả năng gây ảnh hưởng lan rộng đến nền kinh tế thế giới. Do đó, mục tiêu hiện nay mà các chuyên gia kinh tế Mỹ đang hướng đến là tìm ra các biện pháp ổn định thị trường tài chính và không gây hỗn loạn thêm.
Tổng thống Bush cố trấn an người dân
Khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang lan rộng sang thị trường chứng khoán châu Á. TRONG ẢNH: Các nhà đầu tư chứng khoán Hong Kong đang lo lắng trước sự rớt giá thảm hại của thị trường chứng khoán sau khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản. |
Trước những biến động bất thường của thị trường tài chính, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cố trấn an người dân khi nói rằng thị trường tài chính đang gặp những biến động, nhưng nền móng của nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững chắc. Ông Bush cho biết: “Trong giai đoạn ngắn hạn, các điều chỉnh trên thị trường tài chính có thể gây ra những khó khăn lớn đối với những ai đang lo ngại về đầu tư của mình lẫn nhân viên của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong dài hạn, tôi tin chắc thị trường vốn của chúng ta vẫn linh động và dẻo dai, và có thể đối phó được với những điều chỉnh này”. Ông Bush cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng rối loạn của thị trường tài chính và ngăn chặn ảnh hưởng lan rộng của các diễn tiến trong thị trường tài chính”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, thị trường tài chính Mỹ đang đi qua một giai đoạn đầy sóng gió, tuy nhiên, người dân Mỹ nên tin tưởng vào sự vững mạnh và tiềm năng dẻo dai của hệ thống tài chính Mỹ. Ông Paulson cho biết, nhiều biện pháp đã được áp dụng để bảo đảm sự ổn định trên thị trường tài chính, và ông sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp hơn nữa, trong đó có cả những biện pháp phối hợp với các giới chức ở nước ngoài.
Bộ trưởng Paulson nói: “Theo tôi thì điểm mà chúng ta đang tập trung là tương lai. Và tương lai của chúng ta là ổn định và trật tự trong thị trường tài chính, và chúng ta đang làm việc để nỗ lực vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay”. Tuy nhiên ông cũng cho biết, ông chưa bao giờ nghĩ đến việc dùng ngân sách của chính phủ để cứu nguy tình trạng phá sản của Lehman Brothers.
Obama và McCain hứa cải tổ ngành ngân hàng
Trong khi đó, tại các điểm vận động tranh cử, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều hứa hẹn cải tổ các cơ quan liên bang để tránh xảy ra thất bại thảm hại của nhiều ngân hàng cùng một lúc. Tại bang Colorado, Thượng nghị sĩ Barack Obama nói rằng kinh tế Mỹ đang có cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất, kể từ năm 1930.
Ông đổ lỗi cho các chính sách của chính phủ đã không bảo vệ được người tiêu dùng, các chính sách đó được kiểm soát lỏng lẻo, và giúp giám đốc các công ty lớn lãnh được nhiều lương và tiền thưởng. Ông nói rằng, người dân Mỹ sẽ không chấp nhận thêm 4 năm nữa với các chính sách sai lầm này. Trước đó, ông Obama cũng đã lên tiếng chỉ trích phe Cộng hòa vì đã góp phần vào những khủng hoảng ngân hàng gần đây mà cao trào là những vụ phá sản vừa xảy ra hôm 15-9. Ông nói: “Tôi hoàn toàn không có ý chỉ trích Thượng nghị sĩ McCain về những vụ việc trên, song tôi chỉ trích những chính sách mà ông ấy đang theo đuổi. Đó là chính sách đi theo lối mòn không sáng suốt của chính quyền 8 năm qua”.
Trong khi đó, tại bang Florida, Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng, nước Mỹ đang ở vào thời kỳ kinh tế khó khăn, mặc dù về cơ bản vẫn còn mạnh. Ông hứa nếu đắc cử, ông sẽ thay thế cơ chế điều tiết luật lệ tài chính lỏng lẻo bằng một cơ chế minh bạch hơn. Và nếu ông đắc cử, khu vực tài chính của Mỹ sẽ không bao giờ rơi vào tình huống như hiện nay.
GIA HUY