.

Mỹ muốn tiến trình phi hạt nhân được tiếp tục thực hiện

.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Nobutaka Machimura cho biết, Nhật vẫn đang liên hệ sát sao với Mỹ và Hàn Quốc về diễn biến tình hình ở CHDCND Triều Tiên. Ông nói: “Chúng tôi biết rằng, Triều Tiên đang có hành động dời một số thiết bị chủ yếu ra khỏi kho, và chúng tôi lo ngại cho tình hình hiện nay”.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Sook sẽ tới Bắc Kinh vào hôm nay (5-9).

Các quan chức Mỹ cùng với quan chức thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hiện vẫn đang ở khu liên hợp Yongbyon để giám sát hoạt động dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bất chấp việc đã bắt đầu khôi phục lại hoạt động hạt nhân, Bình Nhưỡng cũng không có động thái đi xa hơn, như trục xuất các thanh sát viên quốc tế. Điều này cho thấy, động thái mới của Bình Nhưỡng chỉ là một cách thức nhằm ép Washington phải giữ đúng lời hứa của mình, đưa họ ra khỏi danh sách khủng bố.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng cho biết, tại thời điểm Bình Nhưỡng tuyên bố ngưng dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân, nước này đã dỡ bỏ được các thiết bị “quan trọng” ra khỏi các cơ sở hạt nhân. Điều này cho thấy, sẽ phải mất một thời gian khá dài để có thể phục hồi lò phản ứng chính trở lại hoạt động. Còn các quan chức Mỹ và Hàn Quốc dự đoán, sẽ phải mất ít nhất một năm Bình Nhưỡng mới có thể tái khởi động những cơ sở đã được hoàn toàn dỡ bỏ.

Ngoại trưởng Mỹ Rice nói: “Chúng tôi đang hy vọng Triều Tiên tuân thủ theo những cam kết, bổn phận của họ. Khi đó, chúng tôi rõ ràng sẽ thực hiện theo những cam kết, bổn phận của chúng tôi”. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Sook dự định hôm nay (5-9) sẽ tới Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Christopher Hill, bàn về những căng thẳng leo thang mới nhất hiện nay.

(Theo AP)

;
.
.
.
.
.