.

Nga, Mỹ bất đồng về vấn đề Gruzia và hạt nhân Iran

.

Bên lề cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Mỹ Condoleezza Rice. Bà Rice cho rằng việc Moscow công nhận độc lập của hai tỉnh ly khai thuộc Gruzia - Nam Ossetia và Abkhazia - là “một sai lầm nghiêm trọng” và đang tạo ra vô vàn khó khăn cho nước Nga. Tuy nhiên, ông Lavrov đã phản bác những lời chỉ trích gay gắt của người đồng cấp Mỹ bằng lập trường đã công bố lâu nay của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (phải) bắt tay người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại cuộc tiếp xúc song phương ở khách sạn Waldorf-Astoria, New York.

Cũng tại New York, phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại (CFR) - tổ chức tư nhân, trung lập được cho là có ảnh hưởng nhất tới chính sách ngoại giao của Mỹ, Ngoại trưởng Nga đã chỉ ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Mỹ, đặc biệt là các vấn đề về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Washington, nhưng nhấn mạnh Moscow không hề cảm thấy bị cô lập.

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trước đây cũng luôn sóng gió vì bất đồng chung quanh việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran. Trong một động thái mới nhất, Moscow phản đối việc áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt chống quốc gia Hồi giáo. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, không có khủng hoảng chung quanh chương trình hạt nhân của Iran, nên chưa cần thiết phải đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
 
Phát biểu bên lề cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Lavrov khẳng định: “Với tình trạng hiện tại trong chương trình hạt nhân của Iran, không cần thêm các biện pháp tăng cường khẩn cấp nào nữa”. Ông Lavrov thông báo cuộc họp cấp Ngoại trưởng giữa Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Đức về chương trình hạt nhân của Iran đã bị hủy, vì các bên không thống nhất được thời điểm do quá bận rộn với lịch trình hiện tại ở Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, căng thẳng giữa Washington và Moscow về cuộc chiến ở Gruzia có thể đồng nghĩa với việc trước mắt Nga sẽ không tham gia các cuộc đàm phán về Iran.

Chính quyền Bush đã tìm cách hạ thấp mức độ ảnh hưởng của quyết định tẩy chay hội đàm của Nga. Bà Rice nhận định, việc điều chỉnh thời gian là không thích hợp. Trong khi đó, ông Lavrov than phiền rằng Mỹ không thể vừa ngăn chặn Nga tham dự các cuộc tiếp xúc của G8, vốn “rất quan trọng đối với toàn thế giới” và sau đó lại đòi hỏi sự hợp tác từ Nga trong những lĩnh vực mà Washington quan tâm. Ngoại trưởng Nga quả quyết: “Bạn không thể đạt được cả hai điều đó”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu tiết lộ bà Rice và ông Lavrov đã nhất trí về việc cần phải tổ chức một cuộc gặp cấp bộ trưởng nhằm thảo luận về vấn đề Iran ở giai đoạn nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm cho sự kiện này vẫn chưa được ấn định. Ông Lavrov cũng tỏ ý kiến chưa chắc chắn về khả năng diễn ra một cuộc gặp như thế này.

Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhắc lại rằng quốc gia Hồi giáo này theo đuổi chương trình hạt nhân vì hòa bình chứ không phải để sản xuất vũ khí nguyên tử như cáo buộc của phương Tây. Hiện nay, Tehran đang chịu ba lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an vì không chấp nhận từ bỏ hoạt động làm giàu uranium. Phương Tây cho rằng Tehran đang dùng vỏ bọc hạt nhân bọc dân sự để che giấu chương trình vũ khí nguyên tử, điều mà Iran cực lực bác bỏ.
                  
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.