.

Người biểu tình Thái Lan từ chối đàm phán

.

Một cuộc biểu tình chống Chính phủ của nghiệp đoàn Thái Lan hôm qua (3-9) đã lắng xuống, nhưng những người phản đối vẫn yêu cầu Thủ tướng Samak từ chức và lờ đi lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng.

Cảnh sát Thái Lan bảo vệ bên ngoài sân bay Hat Yai ở miền nam Thái Lan hôm 3-9.

Khoảng 200.000 công nhân của 43 doanh nghiệp đã lên kế hoạch tham gia đình công ngừng cung cấp điện, nước và làm tê liệt các đường giao thông. Một số khu vực ở Bangkok bị tê liệt vì lo sợ bạo lực sau khi người biểu tình thuộc hai phe ủng hộ và chống đối Chính phủ đụng độ với nhau.

Hơn 500 trường học tại thủ đô đã phải đóng cửa vì sợ không an toàn và người dân được cảnh báo về một cuộc đình công trên toàn quốc của những công nhân thuộc doanh nghiệp Nhà nước. Trường Đại học Chulalongkorn và các trường nhỏ trực thuộc cũng đóng cửa trong 3 ngày. Dự kiến, đến ngày 5-9, 435 trường học công tại Bangkok có thể tiếp tục mở cửa trở lại.

Hàng nghìn người biểu tình hôm qua vẫn cố thủ trong tòa nhà Chính phủ Thái Lan và từ chối thương lượng. Họ khẳng định chỉ đối thoại khi Thủ tướng Samak Sundaravej chịu từ chức. Có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan sắp chấm dứt khi lệnh tình trạng khẩn cấp bước sang ngày thứ hai. Đây là đợt biểu tình và bạo động tồi tệ nhất trên đường phố Bangkok trong vòng 16 năm qua. Các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ và phản đối Thủ tướng Samak đã khiến một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

(AP)

;
.
.
.
.
.