.
Sữa nhiễm độc ở Trung Quốc:

Thàm họa lan rộng

.

Sữa bột cho trẻ em có nhiễm chất độc melamine gây bệnh sạn thận đang lan tràn ở Trung Quốc, gây nên một thảm họa về y tế và rất nhiều khả năng đã thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, nhất là ở các vùng nghèo.

Một em bé đang được điều trị tại bệnh viện sau khi dùng sữa nhiễm độc.

Vụ sữa cho trẻ em bị nhiễm chất độc melamine ở Trung Quốc có dấu hiệu lan rộng và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự đoán. Sáng thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Chen Zhu thông báo đã có 3 em bé tử vong và hơn 6.244 em bé khác đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 158 em trong tình trạng nguy cấp, do uống loại sữa này.
 
Con số này cao gấp 3 lần so với số 2 em tử vong và 1.253 em bị bệnh, 53 em nguy cấp công bố hai ngày trước đó. Nghiêm trọng hơn, số công ty sản xuất sữa có sản phẩm bị nhiễm độc đã tăng lên 20 đơn vị chứ không chỉ có Công ty Tam Lộc (San Lu) như thông báo trước đây. Tập đoàn sữa Mengniu lớn nhất Trung Quốc và chỉ chuyên sản xuất sữa cho trẻ em vừa bắt đầu thu hồi 3 lô sản phẩm sản xuất trong tháng 1-2008, cũng bị nhiễm chất độc melamine. Trẻ em sẽ bị sạn thận và tổn thương nghiêm trọng đường tiết niệu dẫn tới tử vong nếu uống phải loại sữa bị nhiễm melamine.

Bộ trưởng Chen cho biết, trường hợp tử vong mới nhất xảy ra ở tỉnh Triết Giang, còn hai trường hợp trước đó xảy ra ở tỉnh Cam Túc. Trong khi đó Tổng cục Chất lượng Trung Quốc cho biết, các thanh tra viên đã phát hiện chất melamine trong 69 lô sữa bột do 22 công ty sản xuất. Tổng cục đã tiến hành kiểm tra 109 công ty chuyên sản xuất sữa trên toàn quốc và cũng đã phát hiện 66 công ty ngừng sản xuất mà không rõ lý do. Tổng cục trưởng Tổng cục Chất lượng Lý Trường Giang tiết lộ thêm rằng, ngoài hai tập đoàn lớn Sanlu và Mengniu, các công ty Yashili có trụ sở tại Quảng Đông và Suncare có trụ sở tại Thanh Đảo cũng phải thu hồi sản phẩm đã bán ra thị trường.

Nhân viên một cửa hàng sữa gỡ bỏ nhãn trên các hộp sữa bị nhiễm độc để qua mặt cơ quan kiểm tra.

Melamine là hóa chất độc dùng trong công nghiệp nhựa và phân hóa học, nhưng một số thương nhân Trung Quốc cố tình trộn vào thực phẩm để trục lợi. Năm ngoái chất melamine đã bị phát hiện trong thức ăn cho chó kiểng bán sang Mỹ, gây bệnh cho hàng ngàn con chó và dẫn tới lệnh thu hồi các loại thức ăn gia súc của Trung Quốc tại Mỹ. Vụ pha trộn melamine bất hợp pháp vào sữa bột tỏ ra nguy hiểm hơn nhiều so với pha vào thức ăn chăn nuôi.
 
Sữa bột có melamine không chỉ dùng cho trẻ em mà còn là nguyên liệu chế biến nhiều loại thực phẩm khác như bánh kẹo. Tại Hồng Công hôm thứ tư, cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm đã ra lệnh thu hồi sản phẩm kem sau khi phát hiện chất melamine trong cửa hàng kem ăn của Công ty Yili AB Foods có trụ sở chính tại Thượng Hải, Trung Quốc. Cơ quan chức năng của Đài Loan cũng đã ra lệnh thu hồi hàng ngàn tấn sữa bột của Công ty Tam Lộc xuất khẩu vào thị trường này, đồng thời lệnh cho các siêu thị trên toàn Đài Loan ngừng bán các loại sữa bột, sữa chua của Trung Quốc.

Công ty đầu tiên bị lên án trong vụ sữa nhiễm độc này - Tập đoàn sữa Tam Lộc, đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và giải thích nguyên nhân là do những người cung cấp sữa nguyên liệu cho tập đoàn đã lén bỏ thêm chất melamine nhằm nâng cao một cách giả tạo hàm lượng dinh dưỡng trong sữa. “Tai nạn nghiêm trọng của sữa bột Tam Lộc đã gây ra những tổn hại to lớn cho nhiều trẻ em và gia đình.

Chúng tôi hết sức đau buồn về điều đó”, ông Zhang Zhenling, Phó Chủ tịch Tập đoàn Tam Lộc lên tiếng hôm thứ hai, nhưng từ chối giải thích vì sao phải mất một thời gian khá dài Công ty Tam Lộc mới đưa ra thông tin về tình trạng sản phẩm bị nhiễm độc, trong lúc công ty đã nhận được khiếu nại của người tiêu dùng từ đầu tháng 3-2008 và các thí nghiệm đã chứng minh sự tồn tại của chất melamine trong sữa từ đầu tháng 8-2008.

Đáng lưu ý là Tập đoàn Fonterra của New Zealand, sở hữu 43% cổ phần của tập đoàn Tam Lộc, đã phát hiện sữa cho trẻ em bị nhiễm độc và ngày 2-8 đã yêu cầu Tam Lộc thu hồi sản phẩm nhưng Tam Lộc không thực hiện. Fonterra phải báo cáo sự việc lên Chính phủ New Zealand và chính nữ Thủ tướng New Zealand Helen Clark là người thông báo cho Chính phủ Trung Quốc sự cố nghiêm trọng này.

Phụ huynh có con em bị nhiễm độc tập trung trước trụ sở Công ty Tam Lộc đòi bồi thường.

Đến giữa tuần này, viên Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tam Lộc Tiền Vạn Hoa đã bị cách chức và cảnh sát Trung Quốc đã bắt giam 4 người bị tình nghi lén bỏ melamine vào sữa. Cả bốn người đều ngụ tại tỉnh Hà Bắc và đều là người cung cấp nguyên liệu cho các công ty sữa; hai trong số đó là anh em ruột có họ là Geng, còn lại một người họ Mã 40 tuổi, một người họ Triệu 43 tuổi. Tân Hoa xã cho biết những người này bán ra khoảng 3 tấn sữa bị nhiễm độc mỗi ngày.

Về phía Nhà nước, 4 quan chức phụ trách nông nghiệp ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc - nơi đặt trụ sở Tập đoàn Tam Lộc; cùng trưởng cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm của tỉnh, đã bị bãi chức. Chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở y tế trong toàn quốc chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị miễn phí cho các trẻ em bị ngộ độc do uống sữa và dự báo rằng khả năng số bệnh nhân sẽ tăng lên rất cao trong những ngày tới. Trong khi đó, phụ huynh của những trẻ em bị nhiễm độc đang điều trị tại bệnh viện đã tập trung trước trụ sở Tập đoàn Tam Lộc tại thành phố Thạch Gia Trang đòi bồi thường.

*

Đây là vụ lùm xùm thứ hai có liên quan tới sữa bột dùng cho trẻ em tại Trung Quốc. Bốn năm trước, năm 2004, đã xảy ra sự cố “sữa giả”, không có chất bổ, khiến cho hơn 200 trẻ em Trung Quốc bị suy dinh dưỡng, trong đó có 12 em tử vong.

Những sự cố như thế này cho thấy vấn đề an toàn và chất lượng sản phẩm của Trung Quốc luôn là mối lo cho người tiêu dùng, đặc biệt là ở nước ngoài vì sản phẩm “Made in China” hầu như có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Những năm trước, khi thế giới phát hiện hàng loạt sản phẩm của Trung Quốc bị nhiễm độc hoặc không bảo đảm an toàn, từ thức ăn đến vỏ xe hơi, từ đồ chơi trẻ em đến kem đánh răng… chính quyền Trung Quốc đã cam kết thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm - điều kiện sống còn của ngành xuất khẩu Trung Quốc. Nhưng những sự cố liên tục xảy ra như vậy cho thấy, ở Trung Quốc, nói thì dễ mà làm thì rất khó.

Thái Bình (Theo The New York Times)

 

;
.
.
.
.
.