Chỉ cách đây hai năm, chiến tranh Iraq và cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn là hai đề tài được người dân Mỹ quan tâm thì hiện nay, kinh tế được xem là vấn đề hàng đầu tại một đất nước được cho là có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Mỹ trên đà tụt dốc, cộng với tình trạng thất nghiệp tăng 6% mỗi năm đang là nỗi lo của không ít người dân Mỹ.
Do đó, những chính sách nhằm làm thay đổi nước Mỹ của hai ứng cử viên McCain và Obama đưa ra chắc chắn sẽ làm cho cuộc tranh cử sẽ quyết liệt hơn.
Lựa chọn giữa thay đổi đúng và thay đổi sai
Obama và McCain, cuộc đọ sức “khốc liệt” cho sự thay đổi nước Mỹ. |
Có thể nói, có hai câu hỏi lớn mà các ứng cử viên cần phải trả lời cho đến ngày 4-11. Đó là liệu ông McCain có thể vượt qua khát khao thay đổi cháy bỏng của nước Mỹ bằng cách tự tách mình ra khỏi người tiền nhiệm đang bị “thất sủng” trong khi vẫn trung thành với Bush về vấn đề chiến tranh và thuế má hay không. Và liệu ông Obama có thể vượt qua được quá khứ “nô lệ” không mấy dễ chịu và sự cố chấp vẫn còn dai dẳng của người Mỹ để trở thành tổng thống da đen đầu tiên hay không.
Trước tiên, nước Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa hai thái cực, với một thái cực là McCain theo đường lối bảo thủ, và thái cực kia là Obama theo đường lối tự do. Điều đó cũng có nghĩa là những cử tri không ở hai thái cực khác biệt trên sẽ là lực lượng quyết định chính ai sẽ là tổng thống của nước Mỹ. Vì vậy, cả hai ứng cử viên đã bắt đầu hướng tới quan điểm “trung dung” sau cuộc chiến ở kỳ bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, khác biệt từ trước tới nay vẫn còn đó.
Theo đường lối bảo thủ, McCain ủng hộ chiến lược tăng quân ở Iraq, và phản đối việc rút quân sớm. Ông cũng ủng hộ lệnh trừng phạt cứng rắn với Iran và ủng hộ thương mại tự do và mở rộng việc cắt giảm thuế của Tổng thống Bush, những vấn đề lớn trong chính sách kinh tế hiện tại của nước Mỹ. Ngoài ra, ông phản đối việc nạo phá thai và là người ủng hộ lâu năm đối với việc kiềm chế công khố, một nhà “thập tự chinh” phản đối việc tiêu pha lãng phí của chính phủ. Ngoài ra, ông còn có chính sách “thị trường tự do” đối với mạng lưới y tế.
Trong khi đó, Obama lại nổi tiếng là người luôn ủng hộ quan điểm tự do trong Thượng viện. Ông phản đối chính sách mở rộng cắt giảm thuế của Tổng thống Bush trong lĩnh vực đầu tư; phản đối hiệp ước thương mại tự do với Trung Mỹ. Obama cũng phản đối việc tư hữu hóa cơ quan an ninh xã hội và ủng hộ quyền nạo phá thai. Ngoài ra, ngay từ đầu ông đã phản đối cuộc chiến ở Iraq và kêu gọi sớm rút quân khỏi Iraq, một trọng tâm chính trong chiến dịch tranh cử của thượng nghị sĩ bang Illinois.
Palin đã “hãm phanh” chiến dịch của Obama
Tại thời điểm hiện nay, có vẻ như Obama gặp nhiều khó khăn hơn để làm nên điều kỳ diệu trong cuộc chạy đua với McCain. Theo kết quả cuộc thăm dò được USA Today/Gallup công bố chỉ chưa đầy 2 tháng trước cuộc tổng tuyển cử ngày 4-11, Thượng nghị sĩ Arizona đang dẫn trước đối thủ Đảng Dân chủ với tỷ lệ ủng hộ 50%-46%.
Đây cũng là khoảng cách dẫn điểm lớn nhất của ông McCain kể từ tháng 1 và là sự thay đổi hoàn toàn so với cuộc thăm dò mà USA Today thực hiện 1 tuần trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa. Khi đó, ông McCain thua Obama tới 7 điểm. Trong khi đó, một cuộc thăm dò khác do Gallup tiến hành, Thượng nghị sĩ Arizona đã nới rộng khoảng cách dẫn điểm trước Obama với tỷ lệ ủng hộ 48-45%.
Các chuyên gia nhận định, “cú hích” sau đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa và việc lựa chọn thống đốc bang Alaska Sarah Palin là ứng viên phó tổng thống là hai “điểm cộng” giúp ông McCain vượt lên dẫn trước Obama.
Sau đại hội của Đảng Cộng hòa, McCain và Palin đã liên tục xuất hiện bên nhau tại nhiều địa điểm của chiến dịch tranh cử, với những cam kết mạnh mẽ như sẽ dùng tất cả kinh nghiệm chiến đấu với tham nhũng để cải tổ Washington. Phó tổng thống Dick Cheney cũng đã lên tiếng ủng hộ Sarah Palin làm ứng viên phó tổng thống và ca ngợi bài phát biểu của bà ở đại hội Đảng Cộng hòa tuần trước là xuất sắc.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ cho rằng bà Palin không có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề ngoại giao. “Không có gì ở bà Palin để bảo đảm rằng bà ấy sẽ giải quyết tốt các vấn đề an ninh quốc gia”, một cố vấn hàng đầu của Thượng nghị sĩ Obama nói. Tobe Berkovitz, đồng hiệu trưởng Đại học thông tin Boston và là nhà chiến lược Đảng Dân chủ, nhận định: “Palin đã “hãm phanh” chiến dịch của Obama”. Nhưng ông Berkovitz nói thêm rằng thế đi lên của McCain có thể mờ dần sau 2 tuần sau đại hội. Tuy nhiên, hồi kết cho câu trả lời, “ai sẽ là vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ” thì vẫn còn chờ đến ngày 4-11.
BĂNG CHÂU