* Các nghị sĩ hồ nghi về kế hoạch giải cứu tài chính
(ĐNĐT) - Niềm hân hoan trước kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD tại các thị trường tài chính đã mau chóng tan biến, và được thế chỗ bằng nỗi hoang mang quen thuộc từ phía các nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu lại bị nhấn chìm, còn giá dầu thô thì vọt lên mức tăng lớn nhất trong vòng một ngày.
>>> Giải cứu thị trường tài chính
>>> Mỹ tuyên bố kế hoạch giải cứu, Phố Wall phục hồi
>>> Lại một đêm ác mộng của Phố Wall
>>> Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu
>>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo
Những lo ngại rằng gói giải cứu sẽ hết sức tốn kém, đẩy nhanh lạm phát, gia tăng mức thâm hụt ngân sách vốn đã “căng phồng”, và làm tổn hại đến nền kinh tế đang èo uột cũng khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu cao chạy khỏi đồng USD.
Một nhân viên tại sàn Giao dịch Chứng khoán New York thất vọng trước những chỉ số đồng loạt "đỏ" ở Phố Wall hôm qua (22-9). Niềm vui chưa chín đã vội tắt. |
Trong khi đó, giá dầu thô tăng vọt 16,37 USD, lên mức 120,92 USD/thùng - mức tăng kỷ lục trong một ngày - tại sàn New York Mercantile Exchange. Giá vàng – kênh đầu tư an toàn trong những giai đoạn tài chính hỗn độn – tăng 40,30 USD lên 909 USD/ounce.
Chính quyền Bush cũng đã dự đoán trước rằng thâm hụt ngân sách quốc gia sẽ đạt mức kỷ lục 482 tỷ USD vào năm tới. Các nhà phân tích cho rằng các chi phí cho vụ giải cứu tài chính nói lên rằng mức thâm hụt hằng năm 1 nghìn tỷ USD là điều có thể xảy ra. Thiếu vắng những thông tin cụ thể về kế hoạch giải cứu và hiệu quả của nó, nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, đã bán đồng USD vì lo ngại rằng việc chi tiền cho kế hoạch này sẽ tăng mức thâm hụt và khiến lạm phát trầm trọng hơn. Trong năm vừa qua, mức lạm phát là 5,4%. Đồng USD hôm qua giảm 2% so với đồng euro và rớt từ 107,01 xuống còn 105,40 yên.
Chính quyền Bush hiện đang hối thúc Quốc hội thông qua kế hoạch giải cứu thị trường tài chính, tuy nhiên cuộc tranh luận về các chi tiết của kế hoạch vẫn còn tiếp diễn ở Đồi Capitol. Nhà Trắng nói rằng Quốc hội phải ủng hộ cho kế hoạch này để ngăn chặn việc nền kinh tế sẽ tổn hại thêm nữa. Tổng thống Bush phát biểu rằng, cả thế giới đang chờ xem liệu “chúng ta có thể hành động nhanh chóng để chống đỡ các thị trường của chúng ta hay không.”
Những hoài nghi về khả năng kế hoạch trên được phê chuẩn cũng bắt đầu xuất hiện ở cả đảng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, Barney Frank, nói rằng đảng Dân chủ mong muốn một số thay đổi, như phải giới hạn lại mức lương chi trả cho ông chủ của những đơn vị được cứu trợ. Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa John McCain cũng bày tỏ sự hồ nghi về chương trình cứu trợ khổng lồ này, yêu cầu phải có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, “cha đẻ” của kế hoạch, và sẽ là người quyết định 700 tỷ USD sẽ được chi tiêu ra sao. “Trong lịch sử của chúng ta, chưa bao giờ có chuyện nhiều quyền lực và tiền bạc đến vậy lại tập trung vào tay của một người. Sự sắp đặt này khiến tôi cảm thấy hết sức không thoải mái”, ông McCain nói.
Nhật Lê (Theo Reuters, AP, BBC)