.

Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu

.

(ĐNĐT) - Các thị trường chứng khoán châu Á đã hồi phục phần nào trong ngày hôm nay (17-9) sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố kế hoạch  85 tỉ USD để giải cứu đại gia bảo hiểm đang lâm nạn AIG. 

        >>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
        
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo        

Phiên tăng điểm Phố Wall trong đêm qua phần nào khích lệ các nhà đầu tư. Ảnh: AFP

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,6% vào giữa ngày sau khi sụt giảm gần 5% hôm 15-9, mức thấp nhất trong hơn 3 năm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc “leo” lên 2,7% và chỉ số chuẩn của thị trường Đài Loan tăng 1%. Tuy nhiên, chỉ số của Hong Kong lại giảm 1,4% và chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Úc lùi 0,4%.

Mặc dù có đôi chút thất vọng trước quyết định giữ mức lãi suất không thay đổi ở mức 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các nhà đầu tư đã được khích lệ bởi phiên tăng của Phố Wall trong đêm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 141,51 điểm, tức 1,3%, lên mức 11.059,02. Chỉ số này đã trượt dốc tới 504 điểm hôm 15-9, mực sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố năm 2001. Các thị trường tài chính Nhật bản, bị chao đảo hôm qua (16-9), hầu hết đều nhích lên cao hơn trước việc ra tay cứu giúp AIG của Fed, với ngân hàng lớn nhất Nhật bản, Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. tăng 2,2%.

Giá dầu cũng tăng lên tại phiên giao dịch ở châu Á tuy nhiên vẫn duy trì ở mức dưới 100 USD/thùng. Dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 tăng 2,85USD lên 94 USD tại sàn New York Mercantile Exchange, sau khi giảm xuống mức 90,51 USD hôm qua, mức thấp nhất kể từ ngày 8-2.

L.D (Theo AP)

-------------------------

Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG

* Barclays mua lại một phần Lehman Brothers

(ĐNĐT) - Nhằm nỗ lực cứu vãn nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu không phải lâm vào khủng hoảng, Chính phủ Mỹ đã đồng ý cung cấp một khoản vay khẩn cấp trị giá 85 tỉ USD để cứu tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG, một động thái được nhận định là chưa có tiền lệ từ trước đến nay.

AIG đã được Chính phủ Mỹ giải cứu. Ảnh AP
Trong một tuyên bố của mình vào tối qua 16-9 (tức sáng 17-9, giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết đã đưa ra quyết định này vì sự sụp đổ của AIG có thể làm tổn thương đến nền kinh tế và thị trường tài chính vốn đang mỏng manh và dễ vỡ. Đồng thời, sự sụp đổ này có thể “dẫn đến chi phí cho vay cao hơn, sự sung túc của các hộ gia đình sẽ giảm đi và tính thực thi của nền kinh tế trở nên yếu kém hơn”, Fed cho biết.

Người phát ngôn của Nhà trắng Tony Fratto cho biết, Tổng thống Bush ủng hộ quyết định được Fed công bố tối qua. “Những bước đi này được thực thi nhằm thúc đẩy sự ổn định trong thị trường tài chính và hạn chế những tổn thương cho nền kinh tế với mức độ lớn hơn”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson cho biết, ông ủng hộ quyết định được Fed đưa ra "nhằm hỗ trợ AIG tiếp tục thực thi các nghĩa vụ của mình, giảm nhẹ sự đổ vỡ trên diện rộng và đồng thời bảo vệ người nộp thuế”.
 
Fed đã ủy quyền cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York rót khoản tiền này cho AIG. Fed cũng cho biết AIG sẽ thế chấp 79,9% cổ phần cho chính phủ để có thể nhận được khoản vay này.

Tập đoàn bảo hiểm AIG có trụ sở tại New York, kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm và dịch vụ tài chính có liên quan đến tài sản, thương vong và tổn thất, ô tô, bảo hiểm nhân thọ, trợ cấp năm và các dịch vụ đầu tư. Các hoạt động kinh doanh bảo hiểm truyền thống này được nhận định là vẫn đảm bảo và Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm quốc gia cho biết “các hoạt động có tính thanh khoản và họ vẫn có khả năng trả được nợ vay”.

* Trong một diễn biến liên quan, hai ngày sau khi rút khỏi đàm phán mua lại toàn bộ Lehman Brothers, hôm nay (17-9), Barclays PLC, một trong những ngân hàng lớn nhất của Anh, tuyên bố sẽ mua lại các thương vụ về thị trường vốn và ngân hàng đầu tư tại Bắc Mỹ của Lehman Brothers với giá 250 triệu USD bằng tiền mặt. Vụ mua bán này sẽ là chiếc phao cứu sinh cho khoảng 10.000 nhân viên đang làm việc cho các chi nhánh của Lehman. 

Barclays cũng sẽ mua lại trụ sở đóng tại New York và hai trung tâm dữ liệu tại New Jersey của Lehman với giá 1,5 tỉ USD. Việc mua lại này phải được tòa án, nơi Lehman Brothers đã nộp hồ sơ xin phá sản, chấp thuận.

Barclays và Lehman đã đạt được thỏa thuận này nhiều giờ sau khi phiên tòa phá sản đầu tiên của Lehman diễn ra ở một phòng xử án có đông đảo người tham dự tại Tòa án phá sản Mỹ thuộc Manhattan. Công ty mẹ Lehman Brothers Holdings Inc. của Lehman Brothers đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản hôm qua (16-9), sau khi không thể tìm được nguồn tài chính để vực dậy cán cân thanh khoản của ngân hàng vốn đang tiếp tục tụt dốc trên thị trường tín dụng.

Quỳnh Đan (Theo AP, CNN)

-------------------

Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo

(ĐNĐT) - Các thị trường tài chính trên thế giới trở nên chao đảo ngày hôm qua và tiếp tục suy sụp trong hôm nay (16-9) sau hàng loạt cơn "địa chấn tài chính" tại Mỹ, với việc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tuyên bố phá sản, hãng đầu tư tài chính Merrill Lynch chấp nhận để Bank of America mua lại và lời thỉnh cầu sự giúp đỡ từ chính phủ của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG (Mỹ), tiếp sau vụ khủng hoảng Fannie và Freddie.


Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trước sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Ảnh: AP

Trong ngày suy sụp tiếp theo của Phố Wall, các nhà đầu tư phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố năm 2001, trong khi các chính phủ ra sức chạy đua để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính không lan rộng.

Giao dịch mở cửa với sự sụt giảm mạnh sáng hôm qua và thậm chí tình hình càng trở nên ảm đạm mặc cho Tổng thống George W. Bush và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry M. Paulson thay phiên nhau xuất hiện ở Nhà Trắng, cố gắng trấn an rằng, những rắc rối ngày càng trầm trọng của Phố Wall sẽ không làm suy yếu nền kinh tế vốn đã “xanh xao” của Mỹ.

Chỉ số Dow Jones mất hơn 500 điểm, tức hơn 4%, mức sụt điểm thấp nhất kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại sau vụ tấn công 11-9. Chỉ số Standard & Poor"s 500 cũng giảm hơn 4%, trong khi chỉ số hỗn hợp Nasdaq đóng cửa ở mức điểm thấp hơn 3%. Cổ phiếu của Lehman gần như không còn giá trị trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi tập đoàn này trình đơn phá sản.

Lehman đệ đơn phá sản, cùng với lo ngại rằng AIG có thể sẽ là tập đoàn tài chính gạo cội tiếp theo sụp đổ, đe dọa sẽ chồng chất gánh nặng lên các tập đoàn khác trên khắp thế giới với các khoản thua lỗ mới. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã yêu cầu các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và JP Morgan Chase huy động khoản vay từ 70-75 tỷ USD để hỗ trợ cho AIG.

Ở một dấu hiệu khác của cuộc khủng hoảng tín dụng đang ngày càng trầm trọng, ngân hàng Bank of America tuyên bố mua lại Merrill Lynch với 50 tỷ USD cổ phiếu. “Việc Lehman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản khi không có sự giúp đỡ nào từ chính phủ liên bang và việc Bank of America tiếp quản Merrill Lynch là những mối đe dọa ngày càng sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu và tác động của nó lên nhu cầu năng lượng,” nhà phân tích của MF Global, John Kilduff cho biết. “Cơn bão bao quanh việc phá sản của Lehman Brothers dường như còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến thị trường dầu thô so với Bão Ike.”

Tác động dây chuyền

Các thị trường dẫn đầu ở châu Á cũng trượt dốc trong vụ phá sản của Lehman Brothers. Cổ phiếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan giảm từ 5 tới 6% và đã phải đóng cửa hôm qua cho ngày nghỉ lễ các ngân hàng. Chỉ số điểm chuẩn ở Đài Loan giảm 4,1% và chỉ số BSE ở Mumbai mất 3,4%. Peter Redwood, nhà nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng Barclays Capital (Anh) cho biết, những căng thẳng gần đây của thị trường tài chính Mỹ trong thời gian dài hơn có thể sẽ “làm tổn thương” các thị trường châu Á. “Đây là một sự gia tăng rủi ro trên toàn thế giới,” và ảnh hưởng này “rõ ràng là tiêu cực đối với châu Á và các dòng vốn ra của khu vực này.”

Trong khi đó, giá dầu thô giảm mạnh hôm qua, trong bối cảnh các diễn biến tài chính làm dấy lên những e ngại về tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 tại thị trường New York giảm 5,47 USD xuống còn 95,71 USD/thùng. Ở London, dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 10 giảm 5,20 USD xuống còn 92,38 USD 1 thùng. Tại phiên giao dịch trong ngày, giá dầu đã hạ xuống tới mức 94,13 USD ở New York và 91,17 USD ở London, các mức thấp nhất kể từ hồi tháng 2.

Tại thị trường châu Á, giá dầu thô đã giảm xuống dưới 92 USD/thùng. Hôm qua, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 giảm 3,59 USD xuống còn 92,12 USD/thùng trong phiên giao dịch điện tử tại sàn New York Mercantile Exchange ở Singapore. Hôm nay, giá dầu tiếp tục hạ xuống còn 91,54 USD/thùng.

Nhật Lê (Theo IHT, AFP, Reuters, AP)


 

;
.
.
.
.
.