.

Thủ tướng Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp

.

Sáng 2-9, Thủ tướng Thái Lan Samak đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bangkok và được công bố trên tất cả các đài truyền hình của Thái Lan, sau khi các cuộc đụng độ trên đường phố đêm 1-9 giữa những người ủng hộ và những người phản đối Chính phủ đã làm 1 người thiệt mạng và 43 người khác bị thương.

Thủ tướng Samak trả lời báo chí sau khi ban bố lệnh khẩn cấp.

Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp được đưa ra sau khi các nhân viên Chính phủ dọa sẽ cắt điện, nước, dịch vụ điện thoại tại các văn phòng Chính phủ và hủy các chuyến bay nội địa để ủng hộ những người biểu tình đang gây sức ép buộc Thủ tướng Samak Sundaravej phải từ chức. Thủ tướng Samak đã ký sắc lệnh và tướng quân đội Anupong Paochinda sẽ chịu trách nhiệm thực thi lệnh này.

Tại Thái Lan, tình trạng khẩn cấp cho phép sử dụng lực lượng quân sự để kiểm soát các hoạt động và ngưng một số quyền tự do dân sự. Tuy nhiên, hôm 2-9, Tướng Anupong Paochinda trả lời trước báo giới rằng, quân đội luôn đứng về phía người dân và tuyên bố sẽ không sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình.

Một tuần căng thẳng chính trị đã kéo theo bạo lực vào sáng sớm ngày 2-9, giữa những người biểu tình muốn ông Samak phải từ chức và những người ủng hộ ông. Một nhóm khoảng 500 người ủng hộ ông Samak đã diễu hành qua các tuyến phố, tuyên bố họ sẽ lấy lại khu dinh thự của Thủ tướng, đã bị người biểu tình do Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) dẫn đầu bao vây kể từ ngày 26-8.

Những người ủng hộ đã đụng độ với cảnh sát trên đường tới dinh Thủ tướng, sau đó tiếp tục đụng độ với những người biểu tình thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ. Cảnh sát đã không thể ngăn được các cuộc đụng độ giữa họ. Trong khi đó, các nghiệp đoàn tuyên bố sẽ bắt đầu cuộc đình công trên quy mô toàn quốc tại 43 doanh nghiệp Nhà nước từ ngày 3-9, nếu Thủ tướng Samak không từ chức.

Những người ủng hộ Chính phủ cầm dao tuyên chiến với những người biểu tình chống Chính phủ vào rạng sáng 2-9 gần tòa nhà Chính phủ ở Bangkok.

Trước đó, cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Thái Lan đã không đạt được kết quả nào trong việc tìm ra hướng giải quyết cho căng thẳng gia tăng giữa liên minh ủng hộ ông Samak và các nhóm đối lập. PAD cáo buộc Thủ tướng Samak Sundaravej là con rối và đang điều hành Thái Lan thay cho cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Họ còn cho rằng, đương kim Thủ tướng đã sửa đổi Hiến pháp nhằm giúp Thaksin tránh được hàng loạt các tội danh, đồng thời chỉ trích Chính phủ không chịu truy tố Thaksin đến cùng bằng cách dẫn độ ông này về nước xét xử. Tuy nhiên, Thủ tướng Samak cho biết, ông sẽ không đầu hàng trước các áp lực, sẽ không từ chức hay giải tán Quốc hội để kêu gọi một cuộc bầu cử mới.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.