.

Chính phủ Anh bơm hơn 87 tỷ USD cứu trợ hệ thống ngân hàng

.

(ĐNĐT) - Chính phủ Anh hôm nay (8-10) thông báo một kế hoạch cứu trợ hệ thống ngân hàng trị giá lên tới 50 tỷ bảng (87,2 tỷ USD) để giúp các ngân hàng sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ thập niên 1930.

Logo ngân hàng Barclays tại London. Barclays là một trong các ngân hàng tham gia kế hoạch cứu trợ của Chính phủ Anh. Ảnh: Reuters.
Bộ Tài chính cũng cho biết, Ngân hàng Bank of England sẽ mở rộng Chương trình Thanh khoản đặc biệt để hỗ trợ việc cho vay ngắn hạn và giúp giải thoát các thị trường tín dụng. Thông qua việc mở rộng này, Ngân hàng Trung ương sẽ chi ra ít nhất 200 tỷ bảng Anh (350 tỷ USD) để cho các ngân hàng trong nước vay trong 3 tháng.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ hỗ trợ vốn cho 8 ngân hàng và tổ chức tín dụng nhà ở lớn nhất của Anh để đổi lấy các cổ phiếu ưu đãi từ các định chế tài chính này. Các ngân hành sẽ tham gia vào kế hoạch này là Abbey, Barclays, HBOS, HSBC, Lloyds TSB, tập đoàn tài chính Nationwide Building Society, ngân hàng Royal Bank of Scotland và Standard Chartered. Bộ Tài chính Anh cho biết các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhà ở khác có thể đăng ký tham gia vào kế hoạch này, đồng thời hy vọng rằng thoả thuận cứu trợ này sẽ giúp các thị trường tiền tệ hoạt động suôn sẻ trở lại và dảm bảo được tương lai của hệ thống ngân hàng.

Nga bơm thêm 36 tỷ USD

Trong khi đó, Chính phủ Nga tuyên bố sẽ bơm thêm 36 tỷ USD vào ngành tài chính của nước này để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Các biện pháp vực dậy ngành ngân hàng được triển khai một ngày sau khi các thị trường phải trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất từ trước tới nay. Trước đó, các ngân hàng của Nga đã nhận được hơn 150 tỷ USD tuy nhiên tình hình vẫn hết sức bất ổn. Sberbank và VTB sẽ lần lượt nhận được 500 và 200 tỷ rúp. Ngân hàng nông nghiệp của Nga, Rosselkhozbank, sẽ được tiếp thêm 25 tỷ rúp. Nguồn hỗ trợ tài chính này sẽ do ngân hàng Vnesheconombank cung cấp dưới hình thức vay trong 5 năm.

Các chỉ số chứng khoán của Nga là RTS and MICEX trước đó đã chạm các mức thấp nhất trong 4 năm. Sau khi tạm ngừng giao dịch, cả 2 chỉ số này bắt đầu hoạt động trở lại với mức tăng khoảng 3%, nhưng chỉ một lúc sau lại hạ xuống. Các nhà đầu tư cho rằng tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục kéo dài và đe dọa nhà đầu tư cũng như những người dân thường.

Chứng khoán châu Á lại chao đảo

Tại châu Á, sự suy sụp lòng tin đã bóp nghẹt các thị trường chứng khoán hôm nay (8-10), khi những giải pháp cứu vãn của những nền kinh tế lớn trên thế giới cũng không thể ngăn chặn nỗi ám ảnh ngày một lớn rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng rồi sẽ dẫn đến sự suy thoái toàn cầu.

Chỉ số Nikkei 225 ở Tokyo hôm nay (8-10) rơi tự do 952,58 điểm, mức hạ điểm thấp nhất trong vòng 21 năm. Ảnh: AP.

Sau ngày giao dịch “khốc liệt” ở Phố Wall, khi chỉ số trung bình Dow Jones mất hơn 500 điểm, các nhà đầu tư từ Tokyo tới Mumbai, Seoul tới Sydney đổ xô bán tống bán tháo cổ phiếu. Chỉ số Nikkei 225 ở Tokyo rơi tự do 9,4%, đóng cửa ở 9.203,32 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2003 và là mức hạ điểm nhiều nhất trong một ngày trong vòng 21 năm. Chỉ số S&P/ASX 200 tại thị trường Australia giảm 5% trong sáng nay, xóa sổ mức tăng 1,7% hôm qua sau khi Ngân hàng Trung ương Australia bất ngờ giảm tỷ lệ lãi suất.

Ở Hong Kong, chứng khoán giảm hơn 5,5% trước giờ giải lao giữa ngày, bất chấp thông tin rằng Ngân hàng Hong Kong sẽ hạ 1% mức lãi suất chuẩn xuống còn 2,5%. Chỉ số Hang Seng tụt 5,2%, Sensex của Ấn Độ chìm xuống 4,3%, chỉ số chính của Đài Loan hạ 5,8%, và chỉ số chuẩn của Singapore mất 5,5%. Chỉ số hỗn hợp Thượng Hải giảm hơn 3% trong phiên giao dịch sáng nay, còn chỉ số Kospi ở Seoul rơi 5,8%. Thị trường chứng khoán Indonesia thì tạm ngừng giao dịch sau khi chỉ số chính của nó tụt hẳn 10,4%.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm xuống dưới mức 87 USD/thùng. Trong phiên giao dịch điện tử tại sàn Nymex ở Singapore chiều 8-10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 3,26 USD xuống còn 86,8 USD/thùng. Như vậy, hiện nay giá dầu thô đã giảm 40% kể từ khi lập kỷ lục 147 USD/thùng hồi tháng 7 năm nay. 

Nhật Lê (Theo Reuters, IHT, NYTimes, AP)

;
.
.
.
.
.